A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Singapore nỗ lực bắt kịp Đài Loan khi đầu tư chip tăng mạnh

Singapore có rất nhiều việc phải làm nếu muốn sánh ngang với các "ông hoàng" sản xuất chip ở châu Á như Đài Loan, ngay cả khi họ nhận được một loạt các khoản đầu tư liên quan đến chất bán dẫn đã được công bố trong năm qua với giá trị hàng tỷ đô la.

Mặc dù được biết đến như một trung tâm tài chính và công nghệ nổi bật ở châu Á, Singapore lại bị "lấn át" bởi các nước bạn trong khu vực đối với lĩnh vực sản xuất chip. Singapore đang cố gắng thúc đẩy phát triển ngành điện tử của mình, đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất lên 50% vào năm 2030, đặc biệt nỗ lực thúc đẩy phân khúc chất bán dẫn hoạt động mạnh mẽ. Đầu tư nước ngoài được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đề ra.

Nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ GlobalFoundries đã thông báo vào tháng 06 rằng họ sẽ đầu tư hơn 4 tỷ đô la vào Singapore để mở rộng kế hoạch sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) của mình nhằm cố gắng giải quyết tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu.

Ajay Thalluri, một nhà phân tích tại công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, cho biết: “Việc tuyển dụng có thể tăng lên với việc công ty cần các chuyên gia, thu hút nhân tài cho văn phòng và cơ sở của mình ở Hoa Kỳ, Đức, Singapore và Ấn Độ”.

Thông báo của GlobalFoundries được đưa ra sau khi nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies công bố chọn Singapore làm cơ sở phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với cam kết đầu tư 27 triệu đô la Singapore (tương đương 20,2 triệu USD) vào tháng 12.

Singapore có tham vọng phát triển trên toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ thiết kế chip, chế tạo đĩa bán dẫn (wafer), lắp ráp và thử nghiệm - cũng như trong các lĩnh vực hỗ trợ như nghiên cứu, phát triển và phân phối khu vực.

Người phát ngôn của hãng nghiên cứu chất bán dẫn TrendForce chia sẻ: “Chắc chắn Singapore có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ các khoản đầu tư của các công ty đúc kim loại nhưng những ông lớn trên thị trường này là Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc” chiếm gần như tất cả thị phần trên thế giới. Theo TrendForce, Đài Loan tạo ra 64% trong tổng số gần 90 tỷ USD doanh thu từ xưởng đúc trên thế giới, trong đó Hàn Quốc chiếm 18%, Trung Quốc 6% và các nước khác 12%. 

Những gã khổng lồ sản xuất chip của Đài Loan đang thống trị ngành công nghiệp này. Trong quý đầu tiên của năm nay, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nắm giữ 55% thị trường toàn cầu, theo TrendForce, với một công ty khác của TSMC là United Microelectronics Corporation chiếm 7%.

Samsung của Hàn Quốc đứng thứ hai sau TSMC, chiếm 17%. Trong khi Singapore sẵn sàng hưởng lợi từ khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la của GlobalFoundries như tạo ra nhiều việc làm mới và tạo tiếng vang cho lĩnh vực sản xuất của đất nước. Tuy nhiên, GlobalFoundries chỉ chiếm 5% thị trường toàn cầu, dựa trên dữ liệu quý đầu tiên của TrendForce.

Theo phát biểu của ông Alvin Tan, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp tại một cuộc họp của các công ty trong ngành bán dẫn vào tháng Bảy, Singapore chiếm khoảng 5% công suất sản xuất đĩa bán dẫn (tấm wafer) toàn cầu. Chia sẻ tại cuộc họp, ông Alvin Tan cho biết: “Các công ty đầu tư vào đây vì kĩ năng của chúng ta, khả năng kết nối toàn cầu, dễ dàng kinh doanh, hệ sinh thái sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn phát triển tốt", đồng thời cần lưu ý rằng quốc gia này cũng nắm giữ 19% thị trường toàn cầu về thiết bị bán dẫn - các công cụ được sử dụng để sản xuất chip.

Nhu cầu đối với chất bán dẫn đã tăng lên khi đại dịch COVID-19 góp phần vào sự thiếu hụt chip toàn cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, được đánh giá đã bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào đầu năm nay, trở thành một vấn đề cấp bách đối với các chính phủ.

Đồng thời, dịch COVID-19 cũng đã làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số và điện tử tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu về các loại chip cung cấp năng lượng cho chúng. Nhưng sự phụ thuộc của thế giới vào các nhà sản xuất chip Đài Loan đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Đánh giá chuỗi cung ứng mới nhất của Washington đã chỉ ra rằng việc phụ thuộc vào Đài Loan đối với chip tiên tiến là một lỗ hổng tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn, theo đó việc gián đoạn sản xuất trên hòn đảo này có thể gây thiệt hại gần 500 tỷ USD doanh thu cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật bởi hai đảng trị giá 52 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước, trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu nội địa hóa 20% sản lượng chất bán dẫn vào năm 2030. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã xem việc phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn của họ là chính sách ưu tiên hàng đầu.

Nhưng khả năng thu được lợi nhuận đáng kể của Singapore từ sự thay đổi này vẫn còn được xem xét, ngoài các khoản đầu tư đáng kể bởi các nhà phát triển chip. Guo Yu, nhà phân tích hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang làm tại công ty cố vấn chiến lược Sibylline, cho biết ngay cả khi thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đài Loan sẽ không từ bỏ vị trí "thống lĩnh" đối với lĩnh vực này trong ngắn hạn.

"So với Singapore, Đài Loan sẽ giữ được một số lợi thế, chẳng hạn như chi phí vận hành thấp hơn (về đất đai và lao động), các ngành công nghiệp hỗ trợ được thành lập nhiều hơn và tích hợp tốt hơn với sự có mặt của nhiều nhà lắp ráp lớn và nhà sản xuất thiết bị cá nhân và điện tử gia dụng", ông Yu nói. "Singapore có thể sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những nơi khác vì cuộc tranh giành hàng loạt chip đã thúc đẩy nhiều chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn".

Theo ông Yan Li, giáo sư về hệ thống thông tin, khoa học quyết định và thống kê tại Trường Kinh doanh ESSEC Châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Trung Quốc có khả năng nổi lên như những nguồn tiềm năng bên cạnh Đài Loan để các doanh nghiệp trong ngành tìm đến.

"Nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới, Samsung, cũng là công ty lớn nhất của Hàn Quốc, đã thông báo vào tháng 05 năm 2020, rằng họ đã bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất chip tiên tiến trị giá 116 tỷ USD nhằm giúp nó cạnh tranh với TSMC", ông Yan Li lưu ý.

Ông Yan Li nhấn mạnh rằng không nên bỏ qua sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong ngành bán dẫn trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.

Mặc dù vậy, hai nền kinh tế lớn ở Đông Á và Singapore sẽ khó có thể thách thức Đài Loan. Đài Loan đã thiết lập một hệ sinh thái sản xuất chip rất hiệu quả và có lợi nhuận mà không dễ để người khác bắt chước, ông Yan Li chia sẻ.

"Tóm lại, đa dạng hóa khỏi các nhà sản xuất chip Đài Loan là một nỗ lực cần thiết, nhưng nó không dễ dàng và cần có thời gian".


Tác giả: Lê Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website