A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dòng vốn FDI kéo theo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển tại tỉnh Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, nguồn lao động tay nghề cao và nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Đây là điều kiện tốt để phát triển công nghiệp, trong đó có CNHT. Những chuyển động mạnh mẽ trong việc thu hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn giúp cho Bắc Giang đã gần như khôi phục được sản xuất so với trước dịch Covid-19. 

Năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 song Bắc Giang vẫn nằm trong top 10 tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Theo đó, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) toàn tỉnh đạt 1,31 tỷ USD; có 1.381 doanh nghiệp được thành lập mới. Bắc Giang đứng thứ 9 cả nước về thu hút vốn FDI. Tốc độ tăng GRDP cả năm ước đạt 7,82% (đứng thứ 10 cả nước).

Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh có quy mô khá lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2021 tỉnh thu hút được một số dự án FDI có quy mô lớn như: Dự án Nhà máy Fukang Technology của Nhà đầu tư Foxconn Singapore Pte.,Ltd với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 453 triệu USD, hiện nay đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với số vốn đạt 350 triệu USD; dự án Công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam của Nhà đầu tư JA Solar Investment (Hong Kong) Limited với số vốn đăng ký đạt 210 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2022...

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đang giúp địa phương chuyển mình rõ rệt. Hiện nay, mức lương công nhân bình quân tại Bắc Giang dao động từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Sự đổ bộ đầu tư của các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn lớn cũng kéo theo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển. Cùng với sự lớn mạnh của các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ được nhắc đến là động lực tạo giá trị cho ngành công nghiệp của địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm như: Linh kiện điện, điện tử, pin năng lượng mặt trời, cơ khí, phụ kiện ngành may, công nghiệp chế biến nông, lâm sản... Để phát triển những ngành chủ lực này, tỉnh đã hình thành và thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: Dự án nhà máy sản xuất, gia công linh kiện máy móc chế tạo Yoshimura Kogyo Việt Nam; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Daeyang…

Theo đó, Bắc Giang xác định rõ, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng), phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay. Lĩnh vực đầu tư trong nước, Bắc Giang ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại Bắc Giang để triển khai các dự án qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương…

Trong đó, phải kể đến dự án "Nhà máy Fukang Technology" của nhà đầu tư "Foxconn Singapore PTE Ltd" có trụ sở chính tại Singapore, đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu là sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD. Hay như dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư "Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited" có trụ sở chính tại Hong Kong, Trung Quốc đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu là sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.848 tỷ đồng, tương đương 210 triệu USD…

Việc hoạch định các vùng động lực phát triển công nghiệp sản xuất, công nghiệp nông nghiệp tập trung càng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn. Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh bổ sung 3 khu công nghiệp tập trung là khu công nghiệp Yên Lư với diện tích 377ha; Yên Sơn- Bắc Lũng với diện tích 300ha; Tân Hưng với diện tích 105,3ha. Đồng thời, mở rộng 3 KCN hiện có trên địa bàn với tổng diện tích hơn 320 ha làm cho Bắc Giang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu biểu như các tập đoàn xuyên quốc gia thuộc chuỗi cung ứng của Apple, Samgsung, công ty thuộc chuỗi cung ứng của Tập đoàn Honda…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, sản xuất bị gián đoạn do tác động dịch COVID-19… Qua đó, tạo môi trường thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng với những cải cách rõ rệt đối với các thủ tục hành chính và nguồn vốn đầu tư lớn mạnh, kỳ vọng Bắc Giang sẽ sớm bứt phá và phát triển trong năm 2022.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website