A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất công nghiệp của Philippin phục hồi như thế nào

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của Philippin, song đại dịch Covid-19 cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo nghiên cứu của ADB, cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á nói chung, Philippin nói riêng phục hồi sản xuất nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Philippin đặt mục tiêu sẽ tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất cạnh tranh toàn cầu. Tầm nhìn là tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất cạnh tranh toàn cầu với các mối liên kết mạnh mẽ để đóng vai trò là trung tâm trong mạng lưới sản xuất ô tô, điện tử, hàng may mặc và thực phẩm trong khu vực và quốc tế và được hỗ trợ bởi các chuỗi cung ứng được quản lý tốt. Do đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, Philippin tiếp tục nâng cấp công nghệ để duy trì một ngành sản xuất sáng tạo và cạnh tranh toàn cầu. Đơn cử như: Ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử của Philippin là ngành đóng góp lớn nhất cho lĩnh vực sản xuất của nước này. 

Tiềm năng cho ngành vẫn còn cao, do các công ty thành viên có ý định chuyển sang sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Các công ty này có kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất hiện tại, mở rộng khả năng nghiên cứu và phát triển và thiết kế hiện tại, đồng thời phát triển hơn nữa lực lượng lao động trong vài năm tới.

Ngành công nghiệp đang nỗ lực để tăng chỉ số sản xuất chất bán dẫn và điện tử của đất nước bằng cách xác định nhu cầu của khách hàng, hiểu cơ sở của nhà cung cấp, phát triển các năng lực liên quan, phù hợp với cung và cầu của ngành và tiến hành đánh giá định kỳ về hiệu suất của nó. Ngoài ra, ngành công nghiệp khuyến nghị chính phủ tiếp tục với chương trình học bổng cho các nhà điều hành và kỹ thuật viên, cải thiện môi trường kinh doanh của đất nước, tiến hành phát triển năng lực R&D, và tích cực thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các cơ quan đầu tư ra nước ngoài.

Tầm nhìn của ngành công nghiệp phụ tùng tô là củng cố vị thế của Philippin với tư cách là một nhà sản xuất ô tô quan trọng trong trung hạn và trở thành một trung tâm khu vực về phương tiện và phụ tùng ở châu Á với sự hỗ trợ của cơ sở nhà cung cấp nội địa mạnh mẽ. Mục tiêu của ngành là: (1) phát triển một ngành công nghiệp phụ tùng ô tô có tính cạnh tranh quốc tế và khả thi về chủng loại sản phẩm, giá cả, chất lượng và giao hàng đúng hạn; (2) nâng cao giá trị gia tăng và năng lực địa phương trong ngành công nghiệp phụ tùng ô tô thông qua cải tiến quy trình, công nghệ và nguồn nhân lực; và (3) thúc đẩy các nhà sản xuất linh kiện và phụ tùng hướng tới xuất khẩu.

Ngành công nghiệp nội thất Philippin đặt mục tiêu trở thành nhà đổi mới thiết kế toàn cầu hoặc trung tâm cho các sản phẩm sử dụng vật liệu bền vững vào năm 2030, với thị trường trong nước và quốc tế phát triển mạnh và lực lượng lao động cạnh tranh và năng động. Để đạt được điều này, ngành sẽ tập trung các chương trình của mình vào 4 yếu tố phát triển chính: 1) phát triển sản phẩm, 2) tiếp thị, 3) nâng cao năng lực và 4) vận động chính sách.

Ngành công nghiệp gang thép của Philippin là một thành phần quan trọng trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Ngành công nghiệp này cung cấp các yếu tố đầu vào cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và phân phối điện, các phương tiện giao thông và phương tiện, sản xuất máy móc và thiết bị - tất cả đều quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của một quốc gia. Đầu ra của ngành được sử dụng bởi cả các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp, chẳng hạn như điện tử, sản xuất thiết bị và đóng tàu, trong số những doanh nghiệp khác. 

Ngành công nghiệp giấy của Philippines mong muốn đạt được khả năng đáp ứng tất cả các yêu cầu về bột giấy và giấy chính của đất nước, đồng thời phát triển các sản phẩm giấy và bột giấy có giá trị và chất lượng cao trong dài hạn, theo cách cạnh tranh quốc tế và bền vững với môi trường…

Theo Cơ quan Thống kê Philippin, chỉ số sản xuất toàn bộ ngành công nghiệp của Philippin giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 0,7%/ năm, từ 134,5 điểm vào năm 2016 xuống mức thấp nhất 130,5 điểm vào năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đối với nhóm hàng tiêu dùng, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ số sản xuất thực phẩm và giày dép của Philippin giảm bình quân 1,4%/năm và 3,7%/năm, từ 191,2 điểm và 332,9 điểm năm 2016 xuống 180,5 điểm và 285,3 điểm năm 2020. Ngược lại, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp đồ uống, sản xuất thuốc lá, nội thất và đồ đạc tăng trưởng bình quân 5,9%/ năm, 14,6%/năm và 12,9%/năm.

Đối với nhóm hàng hóa trung gian, chỉ số sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp của Philippin giảm trong giai đoạn 2016 - 2020. Đơn cử như: chỉ số sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 4,8%/năm, chỉ số sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,3%/năm... Ngược lại, chỉ số sản xuất sản phẩm từ dầu mỏ và sản phẩm khoáng phi kim loại tăng trưởng bình quân 3,9%/năm và 1,7%/năm.

Đối với nhóm tư liệu sản xuất, chỉ số sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp của Philippin giảm trong giai đoạn 2016 - 2020, gồm: các ngành công nghiệp kim loại cơ bản, máy móc trừ điện, thiết bị vận tải, xi măng. Ngược lại, chỉ số sản xuất máy móc chạy bằng điện và sắt và thép tăng trưởng bình quân 0,3%/năm và 1,8%/năm.

Cơ cấu hàng sản xuất công nghiệp của Philippin và Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng. Philippin thúc đẩy sản xuất các ngành công nghiệp: Sản phẩm điện tử, hàng may mặc, phụ tùng ô tô, ngành ô tô, hóa chất, sản xuất gỗ, đồ nội thất, sắt và thép, giấy, chất dẻo, cao su, rau quả chế biến, sản xuất khoáng phi kim loại phục vụ cho cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội tăng xuất khẩu các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng, máy móc và thiết bị công nghiệp vào thị trường Philippin do nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế và bùng nổ của lĩnh vực xây dựng tại nước này.

Tháng 7/2021 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Philippin đạt 90,6 điểm, tăng so với 89,8 điểm trong tháng 6/2021, nhưng thấp hơn so với 92 điểm tháng 7/2020. Xu hướng tăng sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2021 của Philippin được đóng góp bởi sự gia tăng của 15 trong tổng số 22 ngành. Trong đó, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Philippin trong tháng 7/2021 so với tháng 7/2020, gồm: sản xuất than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất hàng dệt, may; sản xuất quần áo; giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất … Ngược lại, chỉ số sản xuất một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp của Philippin giảm, như: sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất máy tính, điện tử và các sản phẩm quang học…

Tháng 7/2021, có 19 trên tổng số 22 ngành công nghiệp của Philippin có tỷ lệ sử dụng công suất trung bình trên 50%, dẫn đầu là sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (81,1%); sản xuất các sản phẩm thuốc lá (78,3%) và sản xuất đồ nội thất (74,1%). Ngoài ra, có tới 1/4 cơ sở sản xuất hoạt động hết công suất.

Như vậy, sản xuất công nghiệp phục hồi là động lực thúc đẩy Philippin tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu nhằm phục vụ nhu cầu chế biến trong nước. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Philippin, giai đoạn 2016 - 2020, nhập khẩu hàng hóa của nước này tăng trưởng bình quân 0,4%/năm, từ mức thấp nhất 402,64 tỷ USD năm 2016 tăng lên mức cao nhất 466,11 tỷ USD vào năm 2018, nhưng sau đó giảm dần xuống 404,28 tỷ USD năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Philippin nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng 12,6%/năm, từ 1,96 tỷ USD năm 2016 tăng lên mức cao nhất 3,64 tỷ USD vào năm 2019, sau đó giảm xuống 2,94 tỷ USD vào năm 2020. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippin giai đoạn 2016 - 2020 chiếm bình quân 2,9%/năm. Trong đó, Philippin nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng từ Việt Nam, gồm: ngũ cốc (HS 10); máy móc, thiết bị điện và các bộ phận, máy ghi âm và tái tạo âm thanh, ti vi (HS 85); muối, lưu huỳnh, đất và đá, vật liệu trát, vôi và xi măng (HS 25); sắt và thép (HS 72); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (HS 84); cà phê, trà và gia vị (HS 09). Đáng chú ý, thị phần các mặt hàng có mã HS 25 và HS 09 chiếm lần lượt 50,48% và 63,33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippin trong năm 2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Philippin đạt 63,7 tỷ USD, tăng mạnh 30,26% so với 7 tháng đầu năm 2020. Sự phục hồi sản xuất trong nước và chi tiêu tiêu dùng tăng là động lực giúp Philippin đẩy mạnh nhập khẩu. Theo Cơ quan Thống kê Philippin, quý II/2021 nền kinh tế Philippin đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm qua với mức tăng 11,8% so với quý II/2020, nhờ sự phục hồi trong hoạt động xây dựng và chi tiêu tiêu dùng. Việc mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn, thực hiện các biện pháp phục hồi và tăng tốc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, Philippin nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 2,34 tỷ USD, tăng 31,6% so với 7 tháng đầu năm 2020. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippin chiếm 3,68% trong 7 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với 3,64% trong 7 tháng đầu năm 2020.

Qua số liệu thống kê trên có thể thấy, Philippin tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 và trong 7 tháng đầu năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng trên chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippin. Do đó, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Philippin trong thời gian tới, nhất là những mặt hàng chủ lực, gồm: sắt thép các loại, clanhke và xi măng, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt, may, kim loại thường khác và sản phẩm, sản phẩm hóa chất…

Cập nhật số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippin tăng trưởng khả quan 19% so với 8 tháng đầu năm 2020, đạt xấp xỉ 2,9 tỷ USD. Trong đó, có tới 28/34 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Philippin tăng. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu than các loại tăng tới 1.023,5% và 5 mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: phân bón các loại tăng 260,7%; sắt thép các loại tăng 156%; chè tăng 116,3%; dây điện và dây cáp điện tăng 109,9%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 103,3%.


Tác giả: An Bình (tổng hợp)
Nguồn:Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website