A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Với lợi thế là tỉnh cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, Hòa Bình thực sự trở thành động lực phát triển cho các địa phương, nhất là đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đây là một trong những động lực quan trọng giúp Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Với những thay đổi về cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính nên thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại, từ đó hình thành các các khu, cụm công nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo trao Giấy chứng nhận công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022 cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hoạt động khuyến công - "Bệ đỡ" của cơ sở công nghiệp nông thôn

Ngày 26/02/2005, Trung tâm Tư vấn Công nghiệp và Khuyến công, nay là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp được thành lập. Trải qua gần 20 năm, Trung tâm đã triển khai thực hiện 165 đề án, với tổng kinh phí 23.615.149.080 đồng (trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia 16.773.949.080 đồng, kinh phí khuyến công địa phương 6.841.200.000 đồng), các nội dung chủ yếu: đào tạo nghề; tập huấn; mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đăng ký xây dựng bảo hộ thương hiệu; hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trang tin khuyến công trên truyền hình; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp. Công tác khuyến công từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Nghiệm thu đề án KCĐP năm 2022, đề án nhóm: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến nông lâm sản và chế biến thực phẩm” tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thương mại - Dịch vụ Bảo Anh.

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang là “bệ đỡ” và người bạn đồng hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả.Đây là những mô hình thực tế, gần gũi, thuyết phục về việc đầu tư khởi nghiệp sản xuất công nghiệp, có ý nghĩa lan tỏa, dẫn dắt về hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa phương và là minh chứng sinh động để đội ngũ cán bộ khuyến công tiếp tục tuyên truyền, động viên, khích lệ, tư vấn với các cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Hoạt động khuyến công trong thời gian qua dần đi vào nền nếp, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trên cơ sở cụ thể hoá các chương trình, đề án nên thực hiện thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng các đề án, dự án hàng năm có tăng lên, có tác dụng khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. Thông qua hoạt động khuyến công, một số địa phương đã khôi phục nghề truyền thống và mở thêm ngành nghề mới, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Qua các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng, mở rộng sản xuất, sử dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ để nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động khu vực nông thôn; gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa xuất khẩu của tỉnh tăng cao và bền vững; bước đầu hình thành và phát triển một số điểm nghề, làm cơ sở để phát triển thành làng nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo thăm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Hòa Bình tại Hội chợ Công nghiệp và Nông sản vùng Tây Bắc, năm 2020.

Hạn chế và khắc phục

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công còn một số tồn tại, hạn chế như tổ chức khuyến công chưa có ở cấp huyện, cấp xã nên không phát huy được vai trò trong tổ chức thực hiện từ cơ sở; chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên làm công tác khuyến công ở các cấp; năng lực xây dựng đề án của các cơ sở CNNT hạn chế, còn phải thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng của một số đề án. Việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, kịp thời, có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro dẫn đến phải ngừng triển khai; Kinh phí hoạt động khuyến công chỉ là ngân sách nhà nước và của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác hỗ trợ. Các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các xã xa trung tâm hầu hết là nhỏ và rất nhỏ, năng lực tài chính yếu trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn, nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là “vốn mồi” để động viên, khuyến khích. Nhiều nội dung khuyến công đề ra trong chương trình triển khai với tỷ lệ thấp như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu… Nội dung, quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có sức lan toả lớn. Chưa có nhiều đề án khuyến công điểm, quy mô lớn thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Để phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công, thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:

- Tiếp tục rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ, cân đối nhân sự; xây dựng khung năng lực từng vị trí công tác và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm bổ sung chuyên môn và nghiệp vụ mà mỗi cán bộ đang thiếu hụt, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ khuyến công tiếp cận thực tế các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời cập nhật những thông tin, kiến thức mới về khoa học công nghệ, quản trị, thị trường, pháp luật, công nghệ số… 

- Công tác theo dõi, phát hiện, động viên khuyến khích để phát triển công nghiệp nông thôn ở nhiều xã, nhất là địa bàn xa trung tâm huyện còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tồn tại này, đội ngũ cán bộ khuyến công cần bám sát đến cấp xã, nhất là các xã xa trung tâm huyện để khai thác, phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp ở tất các các địa bàn của tỉnh, đồng thời tạo ra nhận thức chung của các cấp, các ngành, thôn xã về chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn của Nhà nước.

- Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào các nội dung: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trang tin khuyến công trên truyền hình còn nội dung tư vấn phát triển công nghiệp và kết nối rất mờ nhạt. Thực tế này vừa hạn chế vai trò, hiệu quả của công tác khuyến công vừa hạn chế cơ hội bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, hạn chế cơ hội đầu mối kết nối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, cơ sở sản xuất máy móc thiết bị, đầu mối thương mại cũng như kiến thức kỹ năng trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của cán bộ khuyến công.

Để vừa phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, vừa nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của cán bộ khuyến công. Thời gian tới cần đẩy mạnh nội dung hoạt động tư vấn, kết nối, coi hoạt động tư vấn phát triển, tư vấn có thu và kết nối là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm khuyến công.

- Công tác tuyên truyền về chính sách khuyến công tuy thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng do thời lượng tuyên truyền còn ít và hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác khuyến công.

Nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu chiến lược và vai trò phát triển công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời truyền cảm hứng, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp mở mới, mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cần chú trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất kinh doanh hiệu quả, đến mọi thành phần kinh tế với nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng từ hội nghị, hội thảo, triển lãm, thông tin đại chúng, thông tin trên các trang điện tử, môi trường mạng.

 

Các đồng chí lãnh đạo khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc năm 2022 và khai trương Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh.

- Cá nhân hoá trách nhiệm cán bộ khuyến công theo dõi, xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như hiệu quả đề án để gắn trách nhiệm. Kịp thời xem xét, tư vấn, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả lâu dài của các đề án.

Với sự hỗ trợ chung và quan tâm mọi mặt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hoạt động khuyến công thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, ngày càng phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, thúc đẩy tiến trình phát triển công nghiệp nông thôn nhanh và bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT- XH của tỉnh Hòa Bình.

 


Nguồn:Cục Công Thương địa phương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website