A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2019 – 2020 và tập huấn triển khai nhiệm vụ năm học 2020 – 2021

Ngày 25/11/2020, tại Thành phố Đà Lạt, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2019 – 2020 và tập huấn triển khai nhiệm vụ năm học 2020 – 2021. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, số lượng các trường đại và cao đẳng thuộc Bộ năm học 2019-2020 có sự thay đổi do sáp nhập 1 trường. Tổng số các trường trực thuộc Bộ hiện là: 34 trường, bao gồm: 01 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 09 trường đại học; 24 trường cao đẳng.

Năm học 2019-2020 các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương đã rất chủ động trong việc vừa phòng chống dịch Covid vừa thay đổi phương pháp giảng dạy để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời cố gắng áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, năm học mới đã đến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chập chững phục hồi và Việt Nam đang được ghi nhận là nền kinh tế có mức tăng trưởng dương và phục hồi khá nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giáo dục. 

Trong năm học đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục Đào tạo đặt ra mục tiêu: tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết 19-NQ/TW nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền kinh tế hội nhập và công nghệ số .

Trên cơ sở đó, tại Hội nghị này, Thứ trưởng yêu cầu các Vụ chức năng của Bộ Công Thương cũng như Lãnh đạo các nhà trường cần đánh giá cụ thể kết quả hoạt động năm học 2019-2020 theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong phương hướng kế hoạch đầu năm học để từ đó thảo luận, đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp cho năm tới.

Hội nghị đã nghe báo cáo một số chỉ tiêu kết quả mọi mặt hoạt động của các Trường trong năm học 2019-2020, gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ đã đề ra đầu năm học.

Tại Hội nghị, Đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao Thắng, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh… đã tham luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo hiện nay. Cụ thể, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong tuyển sinh, đào tạo, kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học…và đã cùng thảo luận để công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Bộ Công Thương đạt kết quả cao hơn trong năm học tới. 

Bên cạnh đó, còn có những ý kiến của đại biểu đến từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Các đại biểu đều đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực cố gắng và những thành tích của các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương trong năm học qua.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thế Hiếu

Trên cơ sở một số thành tựu đã đạt được, với các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng năm học 2020 – 2021 của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu các trường triển khai nhiệm vụ theo phương hướng trọng tâm sau:

Xây dựng cơ sở giáo dục mở về đối tượng, mở về tài nguyên giáo dục, mở mở về phương pháp, mở về ý tưởng, mở về địa điểm, mở về công nghệ học tập; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và đổi mới quản trị đại học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; phát triển các chương trình chất lượng cao, chuẩn hóa trong đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kỹ thuật, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong việc tái cơ cấu và sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, giảm số lượng các trường trong hệ thống các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương.

Để thực hiện theo phương hướng đó, Thứ trưởng chỉ đạo cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả với một số nội dung được gợi ý như sau:

Một là, Chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ; 

Hai là, Xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, bồi dưỡng đội ngũ;

Ba là, Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo;

Bốn là, Tăng cường công tác thanh tra khảo thí và kiểm định chất lượng;

Năm là, Xây dựng, đề xuất thí điểm các mô hình đào tạo tiên tiến;

Sáu là, Chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số;

Bảy là, Đẩy mạnh công tác truyền thông.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website