Sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu
Xăng, dầu là loại vật tư đặc biệt, loại nhiên liệu đặc biệt, có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Xăng, dầu được sử dụng phổ biến trong các cơ quan nhà nước, trong các ngành sản xuất, kinh doanh, trong đời sống sinh hoạt của người dân trên mọi miền đất nước.
Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là làm gì và làm thế nào để trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động, nhưng không để gây ra đột biến thiếu hàng hoặc biến động lớn về giá các mặt hàng khác? Một trong những giải pháp khả thi nhất lúc này là sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Lúc này, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là vấn đề có ý nghĩa lớn. Từng người, từng cơ quan, đơn vị, từng doanh nghiệp (doanh nghiệp) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu là "góp gió thành bão" góp phần tác động trực tiếp vào việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, trong một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu đã đề ra và tổ chức thực hiện việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu. Tuy nhiên, tình trạng một số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là những đơn vị hành chính còn coi nhẹ việc tiết kiệm, vẫn còn buông lỏng quản lý xăng, dầu. Tình trạng tùy tiện trong sử dụng xăng xe còn phổ biến. Sử dụng lãng phí xăng, dầu không chỉ gây lãng phí ngân sách, tăng giá thành sản phẩm, mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công tác được giao.
Nguyên nhân của việc sử dụng xăng, dầu lãng phí, một phần là do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm sử dụng xăng, dầu. Ở những đơn vị này chưa đề ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Hoặc có đề ra nhưng chỉ là hình thức, kêu gọi chung chung, thiếu gương mẫu, thiếu kiểm tra, kiểm soát, thiếu hình thức khen thưởng hoặc xử phạt một cách nghiêm minh.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường nâng cao năng lực, nhận thức và tuyên truyền đến người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về việc sử dụng hiệu quả xăng dầu. Những giải pháp cụ thể, đồng bộ như tăng cường sự gương mẫu của người đứng đầu, có hình thức khen thưởng phù hợp hoặc xử phạt một cách nghiêm minh các vi phạm cũng được khuyến khích áp dụng triển khai. Bộ Công Thương cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các đơn vị sử dụng năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng để đảm bảo việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Từ năm 2014, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai chương trình dán nhãn năng lượng cho các phương tiện giao thông như xe ô tô con và xe máy. Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe ô tô con, xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Dán nhãn năng lượng giúp công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiên liệu của từng loại phương tiện, qua đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất tiến hành nâng cấp công nghệ động cơ để giúp xe có mức tiêu hao nhiên liệu thấp nhất và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm có mức sử dụng xăng dầu hiệu quả nhất, góp phần vào việc chuyển đổi thị trường, giảm và sử dụng hiệu quả mặt hàng xăng dầu.
Ðối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu. Cùng với các giải pháp tiết kiệm bằng kỹ thuật, giải pháp bắt buộc cần tuân thủ, một yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu, bảo đảm mọi hoạt động trong các cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra bình thường.
Sử dụng xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả vì một mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.