Tích cực chuyển dịch cơ cấu thị trường phù hợp với xu hướng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Việc khai thác và tận dụng ngày càng hiệu quả các thị trường FTA đã giúp không chỉ mở rộng quy mô, số lượng hàng hóa xuất khẩu, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam diễn ra nhanh hơn theo chiều sâu, cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu hàng hóa với các thị trường đã ký FTA.
Số lượng thị trường có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng nhanh chóng
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ trao đổi thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh việc tăng cường và duy trì xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, truyền thống và đã ký FTA với Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các thành viên ASEAN… nhiều thị trường xuất khẩu mới đã được mở ra trên khắp các châu lục đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam và giúp Việt Nam có thể đảm bảo sự tự chủ, linh hoạt, cân bằng hơn trong duy trì sự tăng trưởng và ổn định của hoạt động xuất khẩu.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%. Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,8%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 50,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,9%); Hàn Quốc ước đạt 21 tỷ USD, tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,6%); Nhật Bản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ trao đổi thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ (Ảnh minh họa)
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), số lượng thị trường với quy mô xuất khẩu từ trên 1 tỷ USD đã tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2016, mới có 28 thị trường riêng lẻ đạt quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm 7 thị trường kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD và 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD thì đến năm 2020 đã có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 thị trường đạt trên 5 tỷ và 5 trong đó đạt trên 10 tỷ USD. Đỉnh điểm là năm 2022 với đỉnh cao kỷ lục của xuất khẩu trong giai đoạn 2016-2023 có tới 33 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 16 thị trường xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD bao gồm 6 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Năm 2023 do gặp nhiều khó khăn và thách thức cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã dẫn đến xuất khẩu hàng hóa suy giảm và phát triển thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên số lượng thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã giảm 1 thị trường so với năm 2022 còn 32, trong đó có 14 thị trưởng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD (giảm 2 thị trường) và 5 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (giảm 1 thị trường).
Tiếp tục đa dạng hoá thị trường xuất khẩu
Tính đến nay, Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết 19 FTA, bao gồm 16 FTA đã có hiệu lực, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, đồng thời đang đàm phán 03 FTA (Việt Nam - EFTA, ASEAN - Canada và Việt Nam - UAE FTA). Việc khai thác và tận dụng ngày càng hiệu quả các thị trường FTA này đã giúp không chỉ mở rộng quy mô, số lượng hàng hóa xuất khẩu, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam diễn ra nhanh hơn theo chiều sâu, cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu hàng hóa với các thị trường đã ký FTA.
Chuyển dịch cơ cấu thị trường diễn ra tích cực và tương đối phù hợp với xu hướng thay đổi, vận động của chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị khu vực/toàn cầu, cũng như việc Việt Nam khai thác, tận dụng các cơ hội từ hội nhập quốc tế sâu sắc, ký kết, thực hiện nhiều FTAs song phương, khu vực, đa phương để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực/toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được sự cân bằng và hài hòa hơn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu giữa các thị trường châu lục, trong đó các thị trường xuất khẩu lớn nhất là những nhà nhập khẩu và đối tác thương mại lớn toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường các nước thành viên ASEAN, EU, Anh, CPTPP, RCEP. Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục củng cố, giữ vững các thị trường truyền thống, trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và mở rộng, phát triển thêm nhiều thị trường mới ra khắp thế giới, bao gồm vươn tới châu Phi, Mỹ Latin. Điều này đem đến sự cân bằng và tự chủ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu cũng như cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của cùng kỳ năm 2023.
Để phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
Cùng với đó, kể từ tháng 7/2022 đến nay, Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tại các Hội nghị này, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; Các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Ngoài ra, tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác… Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất cơ hội để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.