Còn nhiều dư địa phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Thụy Điển
Thụy Điển đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969. Trong gần 55 năm qua, hai nước đã tích cực xây dựng, gìn giữ và phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Về thương mại, nhiều năm qua quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển phát triển tương đối ổn định cả về tốc độ tăng trưởng lẫn chủng loại hàng hóa. Kể từ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, cơ hội giao thương và kết nối đã mở ra ngày càng nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển. Hiệp định EVFTA đã giúp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường này, đó là ưu đãi về thuế quan so với các đối thủ lớn khác. Điều này cũng góp phần quan trọng giúp giảm nhẹ các tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây lên nền kinh tế trong nước. Hiện Việt Nam là nguồn cung hàng hóa ngoại khối lớn thứ 7 của Thụy Điển trên thế giới và lớn nhất của Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2024, Thụy Điển có 111 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 742,65 triệu USD, xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều công ty Thụy Điển đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh và đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Nhìn chung, Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều điểm tương đồng về mục đích phát triển đất nước, có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu không cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai quốc gia vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như việc khoảng cách địa lý giữa hai nước rất lớn trong khi chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam, cũng như chưa có các hợp tác về cảng biển và cảng hàng không. Ngoài ra, Thụy Điển cũng là một thị trường có dân số ít, chỉ hơn 10 triệu người; mặc dù thị trường nhỏ nhưng lại có yêu cầu cao đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, vì vậy các doanh nghiệp tại đây chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ các đại lý phân phối tại trung tâm EU.
Trong giai đoạn 2019 - 2023, thương mại song phương giữa Việt Nam – Thụy Điển ghi nhận ổn định trong 3 năm đầu và biến động hơn trong năm 2022-2023. Trong đó, 2022 là năm kim ngạch đạt mức cao nhất với 1,62 tỷ USD, tăng 6,34% so với năm 2021. Đến năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giảm mạnh do kinh tế Thụy Điển rơi vào tình trạng suy thoái. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Thụy Điển đạt 1,29 tỷ USD, giảm 20,38% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 946,18 triệu USD, giảm 25,17% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 342,01 triệu USD, giảm 3,24%.
Biểu đồ: Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thụy Điển trong giai đoạn 2019 – 2023 ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Năm 2024, kinh tế Thụy Điển đã có tín hiệu khởi sắc hơn với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I và quý II/2024 lần lượt ở mức 0,7% và 0% so với cùng kỳ năm trước, sau khi ghi nhận mức suy yếu liên tiếp trong 3 quý trước đó, đưa nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Diễn biến này đã tác động tích cực đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Thụy Điển trong tháng 6/2024 đạt 105,2 triệu USD, giảm 13,1% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển trong 6 tháng đầu năm 2024 lên 695,93 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thụy Điển trong tháng 6/2024 đạt 76,39 triệu USD, giảm nhẹ 2,82% so với tháng trước đó, nhưng tăng 8,13% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 510,83 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 2,07% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là: Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 36,90%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 9,51%) và Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 9,14%).
Trong khi đó, các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam là hàng nông sản lại chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Thụy Điển.
Biểu đồ: Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Thụy Điển trong 6 tháng đầu năm 2024 (ĐVT: %)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Bảng: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Thụy Điển trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
Trong tháng 6/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 28,81 triệu USD, giảm mạnh 32,18% so với tháng trước đó và giảm 11,86% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 185,10 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 2,4% tỷ trọng trên tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường EU. Trong đó, 3 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 32,35%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 28,51%) và Giấy các loại (chiếm tỷ trọng 10,03%).
Bảng: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Thụy Điển trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
Tên nhóm/mặt hàng | Tháng 6/2024 (Nghìn USD) | So với tháng 5/2024 (%) | So với tháng 6/2023 (%) | 6 tháng năm 2024 (Nghìn USD) | So với cùng kỳ năm 2023 (%) | Tỷ trọng (%) |
Tổng KNNK | 28.809 | -32,18 | -12,14 | 185.095 | 7,84 | 100,00 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác | 5.712 | -61,66 | -16,1 | 59.879 | 16,38 | 32,35 |
Dược phẩm | 9.233 | -16,5 | 6,5 | 52.762 | 25,82 | 28,51 |
Giấy các loại | 5.048 | 55,05 | 7,9 | 18.573 | 31,02 | 10,03 |
Sắt thép các loại | 2.427 | 73,13 | 97,77 | 6.682 | -16,38 | 3,61 |
Sản phẩm hóa chất | 1.179 | 13,58 | -44,96 | 5.288 | -34,63 | 2,86 |
Sản phẩm từ sắt thép | 308 | -50,26 | -48,15 | 4.458 | 35,03 | 2,41 |
Sản phẩm từ chất dẻo | 582 | 30,03 | -36,6 | 3.392 | -0,5 | 1,83 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 106 | -76,63 | -36,35 | 3.290 | 65,52 | 1,78 |
Gỗ và sản phẩm gỗ | 331 | 14,95 | -64,47 | 2.353 | -49,69 | 1,27 |
Sản phẩm khác từ dầu mỏ | 208 | -48,71 | -13,05 | 1.702 | 5,24 | 0,92 |
Chất dẻo nguyên liệu | 289 | -24,24 | -23,13 | 1.320 | 3,08 | 0,71 |
Hàng hóa khác | 3.387 | -58,86 | -43,92 | 25.397 | -19,87 | 13,72 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Dự báo hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ tích cực hơn trong những tháng tới trong bối cảnh kinh tế Thụy Điển hồi phục và lạm phát đang có xu hướng giảm dần về mức 2% theo kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Thụy Điển trong tháng 6/2024 đứng ở mức 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của tháng trước và thấp hơn dự tính của thị trường là 2,8%. Bên cạnh đó, EVFTA sẽ tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ thương mại song phương giữa hai thị trường. Trong dài hạn, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thụy Điển vẫn còn tiềm năng khi thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nhập khẩu của nước này.
Hiện người tiêu dùng Thụy Điển rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, nên các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bền vững và bảo vệ môi trường. Đối với thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Dự báo đến năm 2030, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại quốc gia này sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại, đây là cơ hội cho các lĩnh vực sản xuất thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng này.
Trong thời gian qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Thụy Điển cũng luôn được Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý cùng cộng đồng doanh nghiệp chú trọng và đẩy mạnh. Tại buổi tiếp ông Hakan Jevrell - Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển vào tháng 3/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh ý kiến của SEB, đó là từ ngày 10 - 12/3/2024, Ngân hàng lớn nhất Bắc Âu là SEB đã lựa chọn Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị CEO Bắc Âu thường niên, quy tụ hơn 100 CEO từ các công ty lớn nhất thuộc khu vực Bắc Âu. Đồng thời, Thứ trưởng cũng khẳng định sự kiện này thể hiện mong muốn cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng khi muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam để gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số...
Về phía Thụy Điển, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển nhấn mạnh trong thời gian gần đây, với tư cách là một quốc gia đứng đầu Bắc Âu nói chung và trên thế giới nói riêng về phát triển nguồn năng lượng sạch, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương, ngay từ đầu năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, trọng tâm là tận dụng lực lượng cộng đồng để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối bản địa. Hiện có 10 kho hàng đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu tại Thụy Điển là của người Việt. Vì vậy, Thương vụ đã phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam”. Hàng loạt các hoạt động đã và đang được tổ chức như đi thăm các kho hàng đầu mối, tổ chức tuần hàng, thử sản phẩm, hội thảo kết nối giao thương, tổ chức đoàn doanh nghiệp về tham dự Hội chợ Nguồn hàng 2024… Sự hỗ trợ từ cộng đồng người Việt tại Thụy Điển mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Cũng trong tháng 6/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã tham gia Hội chợ Thương mại - Ẩm thực ASEAN 2024 tại Stockholm, Thụy Điển. Chương trình do Ủy ban ASEAN tại Stockholm (ACS) chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Đại sứ quán 6 nước ASEAN tại Thụy Điển, gồm: Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại sự kiện, hàng trăm sản phẩm hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam như nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may … đã được Đại sứ quán và Cộng đồng người Việt tại Thụy Điển mang đến. Đây là dịp quan trọng để Đại sứ quán Việt Nam quảng bá thông tin về tiềm năng của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy hải sản, du lịch, dịch vụ…; góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Việc tham dự thành công Hội chợ đã góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với người dân Thụy Điển và bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, thương mại - đầu tư và khoa học - công nghệ. Thương vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Thụy Điển và Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường...; hỗ trợ doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước; vận động Thụy Điển mở cửa hơn nữa cho lao động trình độ cao của Việt Nam sang làm việc tại nước này, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, chăm sóc người già...
Để tạo thuận lợi cho hợp tác và giao thương giữa hai nước, Thương vụ đã và đang tích cực thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng và đường vận tải biển kết nối trực tiếp giữa hai quốc gia. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan hai bên nỗ lực nghiên cứu, tham mưu nhằm nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân hai nước, tương xứng với lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển trong những năm qua.