Điểm báo MOIT tuần từ ngày 27/7 đến ngày 2/8/2015
Hàng Việt khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường
Trang 4, số 208, Báo Đại biểu Nhân dân ngày 27/7/2015 có bài viết đáng chú ý: “Hàng Việt khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. Tác giả bài viết khẳng, sau 6 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt đã có chỗ đứng khá vững chắc khi có 90% hàng sản xuất tại Việt Nam được bán tại các cơ sở phân phối. Đây là thông tin được Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng triển khai trong 6 tháng cuối năm.
![]() |
Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Công Thương tiếp tục được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, v.v… Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia gồm 223 đề án với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, trong đó có 157 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí là trên 34 tỷ đồng. Năm 2015, tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa. Đặc biệt, tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.
Giá xăng giảm nhỏ giọt vì thuế quá cao
Là khẳng định được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet ngày 28/7/2015. Theo đó, thông tin từ Tổng Cục Thống kê thấy, trong tháng 7 các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 850 tấn xăng dầu với giá trị kim ngạch 492 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 7,1% về giá trị so với tháng 6, nhưng lại giảm tới 8,1% về lượng và giảm tới 44% về giá trị so với tháng 7/2014.
![]() |
Tính chung cả 7 tháng qua, cả nước nhập khoảng 5.888 tấn xăng dầu các loại với kim ngạch đạt 3,395 tỷ USD, tăng 7,7% về lượng nhưng giảm 34,4% về giá trị kim ngạch. Cập nhật của Bộ Công Thương về giá xăng thành phẩm tại Singapore cho biết, tháng 7, giá xăng đã giảm thấp nhất là 71,68 USD/thùng ngày 21/7. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Tuy nhiên do thuế nhập khẩu cao nên giá bán lẻ mặt hàng xăng trong nước vẫn chưa giảm tương xứng. Hiện nay mỗi lít xăng dầu đáng phải gánh rất nhiều loại thuế phí như thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, thuế nhập khẩu với xăng là 20%, dầu diesel 10%, dầu hỏa 13%, dầu madut 10%. Thuế bảo vệ môi trường là 3000 đồng/lít đối với xăng, 1500 đồng/lít đối với dầu diesel.
Trong tháng 7 giá xăng dầu trong nước đã có hai lần giảm vào ngày 4/7 và 20/7 với mức giảm tổng cộng 590 đồng/lít với xăng, giảm 1.390 đồng/lít đối với dầu diesel, giảm 1.340 đồng/lít đối với dầu hỏa và giảm 1.300 đồng/kg đối với dầu madut. Bộ Công Thương dự báo, giá dầu thô thế giới trong tháng 8 có thể giảm nhẹ quanh mốc 50 - 56 USD/thùng.
TPHCM kiến nghị giảm giá bán ethanol giúp tăng cầu xăng E5
Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử ngày 28/7/2015 đưa tin: “TPHCM kiến nghị giảm giá bán ethanol giúp tăng cầu xăng E5”. Theo đó, để phân phối xăng sinh học E5 đến nay người tiêu dùng hiệu quả, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách ưu đãi, giảm giá bán cồn ethanol, hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông xăng E5 nhằm tạo giá thành hợp lý và cạnh tranh hơn so với nhiên liệu truyền thống đang sử dụng.
Bài báo cho hay, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7 vừa qua, UBND Thành phố cho biết Thành phố có 9 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm 6 tổng đại lý và 514 cửa hàng bán lẻ.
![]() |
Để thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5 đạt hiệu quả, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tưởng Chính phủ ban hành, sửa đổi các quy định về đánh giá, chứng nhận hợp quy, sử dụng phụ gia, tiêu chuẩn để hỗ trợ doanh nghiệp pha chế, sản xuất xăng E5, tránh vướng mắc về kỹ thuật, quy định của Nhà nước. Trước đó, vào ngày 16/6/2015 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có thông báo cho các địa phương, các tổng đại lý đẩy mạnh nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán xăng E5. Thực hiện thông báo này, UBND TPHCM đã đề ra chỉ tiêu đến ngày 30/9/2015 sẽ có 171 cửa hàng xăng dầu tại thành phố phân phối xăng E5. Con số này sẽ tăng lên 514 cửa hàng vào cuối tháng 11/2015.
Cái khó được một số doanh nghiệp xăng dầu nêu ra là các cửa hàng/đại lý hiện tại cũng chưa tích cực tham gia phân phối xăng E5 vì đây là sản phẩm mới, người tiêu dùng chưa quen sử dụng, các cửa hàng phải đầu tư chi phí chuyển đổi trụ bơm dành riêng cho xăng E5, v.v… Một số doanh nghiệp thì lo ngại lợi nhuận giảm do mức tiêu thụ xăng E5 thấp, hàng tồn kho kéo dài dẫn đến hao hụt.
Bộ Công Thương: Sẽ giảm bậc thang tính giá điện trong thời gian tới
Bản tin Tài chính kinh doanh, VTV1, Đài truyền hình Việt Nam trưa ngày 27/7 đưa tin: “Bộ Công Thương: Sẽ giảm bậc thang tính giá điện trong thời gian tới”. Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã xác nhận về việc sẽ giảm bậc thang giá điện trong thời gian tới. Việc điều chỉnh bậc thang giá điện là do biểu giá tính hiện nay chỉ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện vài năm trước nhưng đã không còn phù hợp với mức sinh hoạt hiện nay. Chính cách tính biểu giá điện theo 6 bậc khác nhau mà điểm chủ yếu là càng dùng nhiều điện, số tiền càng được tính theo mức giá đắt hơn đã dẫn đến nhiều ý kiến thắc mắc từ phía người dân.
![]() |
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, những phản hồi về việc tăng giá điện đột biến thời gian qua chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, còn tại các khu vực nông thôn, mức tiêu thụ thường rất thấp, chỉ dưới 100 số nên không ảnh hưởng nhiều. Trước những băn khoăn về việc hóa đơn tiền điện của nhiều hộ dân tăng đột biến, ngoài yếu tố thời tiết nắng nóng, theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá này còn do cách tính biểu giá điện 6 bậc không hợp lý.
Mưa lớn ở Quảng Ninh, nhiều nhà máy Nhiệt điện có thể thiếu than
Là thông tin được đưa ra trên báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 30/7/2015. Theo đó, hiện các nhà máy nhiệt điện có dự trữ than nhưng nếu việc chậm cung ứng kéo dài có thể khiến các nhà máy điện cạn than, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Trước tình hình mưa lớn tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Viết Nam (TKV) đã có bản thông tin tình hình thiệt hại. Theo đó, tại khu vực Hòn Gai, Công ty than Hà Lầm bị sạt bờ kè dẫn đến nước tràn vào kho than làm trôi mất khoảng 7 ngàn tấn than sạch.
![]() |
Trước thiệt hại do bão lũ, TKV cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trước mắt tập trung ứng cứu các hầm lò, bơm hút và ngăn không cho nước tràn vào. Tiếp theo là bảo vệ các kho than và các thiết bị máy móc, tài sản để hạn chế trôi, lấp than, ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng trôi bùn than, nước từ bãi thải ra khu dân cư. Do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố trên, TKV cho biết đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tập trung vào phòng chống mưa lũ. Đặc biệt, TKV nêu do điều kiện bất khả kháng về thời tiết nên việc cấp than cho các hộ tiêu thụ rất khó khăn, bị chậm và có thể gián đoạn trong những ngày tới.
Hiện các nhà máy điện có dự trữ than, tuy nhiên, nếu việc chậm cung ứng kéo dài có thể khiến các nhà máy điện cạn than, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng đã đi kiểm tra thực tế tình hình bão lụt và khả năng khắc phục thiệt hại, đảm bảo nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường của TKV.
Lo cấp than cho các nhà máy nhiệt điện
Cũng liên quan đến ngành Than, ngày 31/7/2015, báo Tiền Phong điện tử có bài phỏng vấn ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo đó, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, mưa lũ làm ảnh hưởng đến 3/4 sản xuất của toàn Tập đoàn. Lượng than tồn của các đơn vị thuộc Tập đoàn hiện chỉ còn đủ để cung cấp trong 7 ngày tới.
![]() |
Ông Lê Minh Chuẩn cho hay, hàng năm Tập đoàn cũng có phương án để xử lý sự cố nhưng năm nay mưa lớn bất thường nên phương án chuẩn bị sẵn có những chỗ không còn phù hợp. Hiện, Tập đoàn đặt mục tiêu hàng đầu là sớm khắc phục sự cố để quay trở lại sản xuất càng sớm càng tốt, để hàng vạn công nhân có việc làm, đời sống công nhân được ổn định. Chúng tôi đang tìm cách để thoát nước nhanh nhất. Các thiết bị bị ngập nước phải tổ chức sấy. Nếu bị hỏng nặng thì sẽ thay mới toàn bộ.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai Tập đoàn xác định là đảm bảo cấp than cho các nhà máy điện của Việt Nam, nhất là Nhiệt điện Vũng Áng và Nghi Sơn ở miền Trung. Còn các nhiệt điện khác ở Quảng Ninh như Mông Dương, Phả Lại, Tập đoàn đã có than dự phòng. Các đơn vị sản xuất than ở Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê không bị tác động xấu của đợt mưa lớn lần này. Vì vậy Tập đoàn cũng đề nghị các hộ sử dụng than lớn dùng than của các đơn vị ở khu vực trên. Vài ngày tới, khi tình hình ở Hòn Gai, Mông Dương được cải thiện thì quay trở lại sử dụng than ở đây.