A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gợi mở kế hoạch tận dụng các FTA thế hệ mới cho doanh nghiệp cà phê tại Đắk Lắk

Để tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần lập nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan liên quan; xây dựng hệ sinh thái cho ngành; chú ý nhiều hơn đến sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu; tập trung nâng cao chát lượng, chú ý phát triển bền vững…

Đắk Lắk có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ

Đó là những gợi mở của Bộ Công Thương dành cho các doanh nghiệp cà phê tại Đắk Lắk khi xuất khẩu sang các thị trường có các FTA tại Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp về kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA thế hệ mới đối với ngành cà phê tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 30/8. Hội thảo do Vụ Chính sách Thương mại đa biên- Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tổ chức.

Theo Sở Công Thương, Đắk Lắk duy trì diện tích cà phê khoảng 210.000 ha, với sản lượng hằng năm xấp xỉ 550.000 tấn. Đắk Lắk có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Niên vụ 2021-2022 tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê  đạt 394.942 tấn, tăng 49.726 tấn so với niên vụ 2020-2021 tăng 14.4%; chiếm tỷ trọng 23% so với cả nước. Trong đó xuất khẩu cà phê nhân đạt 373.615 tấn; xuất khẩu hòa tan đạt 21.327 tấn, chiếm tỷ lệ 5,4% số lượng cà phê xuất khẩu, so với niên vụ trước xuất khẩu tăng 6.138 tấn.

Tuy vậy, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân, cà phê hoà tan; các niên vụ gần đây số lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu xuất đi các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu như Đức, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Bỉ… Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột… vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên-Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam đã thực thi 16 FTA và tiếp tục đàm phán các FTA khác trong thời gian tới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng dư địa để tận dụng các FTA còn rất lớn. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu và vì vậy, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau vấn đề này nhưng nổi bật là sự thiếu gắn kết giữa các chủ thể tham gia vào quá trình xuất khẩu và tận dụng FTA.
Một số vấn đề tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi tận dụng FTA là chưa tận dụng hết dư địa  thị trường FTA; thiếu & yếu về vốn, công nghệ, năng lực;chưa quan tâm đúng mức về vấn đề phát triển bền vững; thiếu kết nối, hợp tác; ...

Do đó, để tận dụng FTA hiệu quả, theo ông Ngô Chung Khanh, các doanh nghiệp ngành cà phê cần lập nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan liên quan, triển khai ngay sau tọa đàm; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…) chú ý nhiều hơn đến sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu; tập trung nâng cao chát lượng, chú ý phát triển bền vững.

Một trong những biện pháp đang được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai là trước mắt lựa chọn 1-2 mặt hàng chủ lực ở từng tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái giúp tận dụng FTA cho các mặt hàng đó. Mục tiêu của việc này là giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý, ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ logistics, công ty tư vấn tận dụng FTA… để cùng xác định vấn đề và phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng của tỉnh, của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Để bắt đầu quá trình xây dựng hệ sinh thái, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội thảo/tọa đàm chuyên sâu cho mặt hàng chủ lực đã được xác định. Mục tiêu của hội thảo này là tập trung các chủ thể có liên quan đến mặt hàng đó để cùng nhau thảo luận xác định vấn đề, giải pháp cho các vấn đề và đặc biệt là kết nối với nhau để tạo dựng hệ sinh thái. Sau khi hội thảo diễn ra, sẽ xây dựng kế hoạch hành động của hệ sinh thái nhằm tiếp tục triển khai các kết quả đã đạt được tại hội thảo để sớm đem lại hiệu quả rõ ràng cho các mục tiêu đề ra.

Ông Ngô Chung Khanh thông tin, đối với tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh tập trung vào mặt hàng nông sản chủ lực là mặt hàng cà phê. Đây là mặt hàng nông sản có đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Nếu việc tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê thành công sẽ giúp lan tỏa triển khai các ngành có thế mạnh khác của tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, việc xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng các FTA một cách hiệu quả sẽ tạo ra sự gắn kết với các chủ thể liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương thiệu của địa phương đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu về phát triển bền vững đang ngày càng phát triển. 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề của ngành hàng cà phê nói riêng, nông sản nói chung, như: chuỗi chế biến cà phê, nông sản; quy trình sản xuất (yếu tố về lao động, môi trường); vốn và công nghệ; các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm (như quy định về kiểm soát mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa…); tìm hiểu các quy định và tiếp cận thị trường xuất khẩu FTA đối với ngành nông sản, bao gồm một số quy định mới của EU như quy định chống phá rừng với cà phê; các yêu cầu về phát triển bền vững (môi trường, lao động); xây dựng thương hiệu và các vấn đề khó khăn khác trong đất đai, hải quan, tín dụng, logistics…


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website