A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam – Australia: Thành lập cơ chế đối thoại về hợp tác thương mại, thúc đẩy khai thác tối đa các FTA

Việc Việt Nam và Australia trao đổi bản ghi nhớ Hợp tác thành lập cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng và khai thác tối đa các ưu đãi từ nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Australia đều là thành viên, như Hiệp định AANZFTA, hiệp định CPTPP và gần đây nhất là Hiệp định RCEP.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, sáng ngày 04 tháng 6 năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Đại sứ Australia tại Việt Nam ông Andrew Goledzinowski đã trao văn kiện “Bản ghi nhớ hợp tác thành lập cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia” dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Lễ trao văn kiện hợp tác Việt Nam – Australia, diễn ra ngay sau cuộc hội đàm giữa 2 Thủ tướng nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hành động triển khai Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Australia (EEES) đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thông qua vào tháng 11 năm 2021. Đây là cơ chế đối thoại về thương mại cấp cao đầu tiên giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. 

Cơ chế đối thoại sẽ được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Australia định kỳ 2 năm/lần do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đồng chủ trì. Mục đích của cơ chế Đối thoại chủ yếu nhằm tăng cường hợp tác và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh trong khuôn khổ song phương và đa phương của quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Australia; qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng và khai thác tối đa các ưu đãi từ nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Australia đều là thành viên như Hiệp định AANZFTA, Hiệp định CPTPP và gần đây nhất là Hiệp định RCEP.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2010 - 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Australia tăng trung bình 14%/năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Úc đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam đến Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%, kim ngạch NK của Việt Nam từ thị trường này đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3% so với năm 2021.

Kết quả thương mại ấn tượng là sự ghi nhận nỗ lực của hai bên trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tận dụng hiệu quả các FTA mà hai nước là thành viên như AANZFTA, CPTPP, RCEP cũng như những biện pháp quyết liệt và chính sách linh hoạt của Chính phủ hai nước, trong đó có những nỗ lực của Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trong thời gian qua.

Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 4 Nhóm công tác về Thương mại thuộc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia, hai bên cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề mong muốn thúc đẩy đối với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, hợp tác khu vực và đa phương, hợp tác chuỗi cung ứng và các triển khai nội dung hợp tác quan trọng trong Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam -Australia (EEES). Cũng tại tại cuộc họp này, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược; đồng thời đưa quan hệ thương mại theo hướng cân bằng, bền vững, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai một số nội dung hợp tác quan trọng.

Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thực phẩm có thế mạnh của nhau như chanh leo, bưởi, hoa tươi cắt cành của Việt Nam; mật ong, vỏ ruột động vật, thịt kangaroo và thịt nai của Australia. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực khai thác và chế biến than, khí tự nhiên hóa lỏng và khoáng sản.

Ngoài ra, hai bên cũng chú trọng hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm về xúc tiến thương mại và chuỗi cung ứng; giao thông vận tải (như chương trình Aus4Transport), thúc đẩy ký kết Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định hàng không Việt Nam-Australia.

Đối với các hợp tác đa phương và khu vực, hai bên đã trao đổi, chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm như thực thi có hiệu quả RCEP, CPTPP, RCEP; nâng cấp AANZFTA trong năm 2023; tiến trình gia nhập CPTPP của một số nền kinh tế; hợp tác trong khuôn khổ…

Các nội dung trao đổi, đề xuất đều hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần củng cố và phát triển chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, đảm bảo chuỗi cung ứng, tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Về hợp tác trong khuôn khổ Chiến lược EEES, hai bên đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan hữu quan hai nước đặc biệt là triển khai định kỳ Đối thoại về Phòng vệ thương mại.


Tác giả: Hương Nguyễn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website