Kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong thúc đẩy thực thi FTA
Các FTA thế hệ mới, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.
Ngày 12/10, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Hội nghị rà soát và đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định EVFTA và rà soát các FTA khác cho Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố ”.
Hội nghị là cơ hội để Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý về thực thi các FTA tại từng tỉnh/thành phố cùng nhau nhìn lại tình hình thực thi và tận dụng các FTA thế hệ mới trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng là dịp để Bộ Công Thương và đại diện các tỉnh/thành phố chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực thi các FTA mà các địa phương đang gặp phải và những bài học kinh nghiệm, câu chuyện thực tế.
Theo đó, đại diện Bộ Công Thương cùng các tỉnh/thành phố đã trao đổi, đề xuất ra những giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA cũng như tăng cường xây dựng liên kết, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong thúc đẩy thực thi FTA trong thời gian tới.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng cho thấy cái nhìn tổng quan hơn: Năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Đối với EVFTA, có 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi giấy chứng nhận ưu đãi (C/O) ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn. Đáng chú ý, công tác thực thi, triển khai FTA tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhiều chương trình, hoạt động vừa thiếu, vừa thừa. Số lượng các tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường các nước có FTA còn chưa đồng đều.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA.
Cũng theo Báo cáo trên, thời gian qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp tục được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA. Thêm vào đó, các hoạt động triển khai chưa có tính liên tục, kết nối và lâu dài để tạo hiệu ứng và hiệu quả bền vững.
Công tác tuyên truyền dù được đẩy rất mạnh nhưng phần lớn còn chung chung, chưa tập trung vào các nội dung cụ thể được doanh nghiệp quan tâm, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa đổi mới nhiều.
Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA...
Thời gian tới, để giải quyết các tồn tại, tăng cường hiệu quả tận dụng các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đề xuất 06 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến; nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; nhóm giải pháp về nhân lực; nhóm giải pháp về số liệu thống kê; nhóm giải pháp khác.