A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Phòng: Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực thực thi các FTA

Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, cho nên, thành phố rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thực thi các FTA

Việc thực thi các FTA đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của thành phố ngày càng được mở rộng, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sang các thị trường của 3 FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA ngày càng tăng.

Năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm sau đại dịch, các xung đột vũ trang trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng một số mặt hàng chủ lực của thành phố Hải Phòng như máy móc thiết bị điện tử, linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, các sản phẩm về nhựa… vẫn tiếp tục tăng trưởng và tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA.

Ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng – cho biết, 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 23,6 tỷ USD và tăng 2,03% so với cùng kỳ và đạt 76,29% kế hoạch của năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 1,51% so với cùng kỳ và đạt 75,6% so với kế hoạch năm.

“Đối với công tác hội nhập, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, cho nên chúng tôi rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA”- ông Nguyễn Công Hân chia sẻ và cho biết thêm hàng năm, thành phố tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức như công tác hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp các Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin của cả nước nói chung và TP. Hải Phòng nói riêng về hội nhập quốc tế, các FTA đã ký kết; công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ tại các FTA mới và chống gian lận xuất xứ... Các chương trình, hội nghị, hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang,…; đồng thời phối hợp thông tin trên 50 hội nghị trực tuyến về xuất xứ hàng hoá, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA...

Sở Công Thương Hải Phòng đồng thời thực hiện tốt chức năng làm đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA cũng như các FTA khác mà Việt Nam tham gia. Phối hợp tổ chức Chương trình kết nối Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc) góp phần hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy xúc tiến thương mại 50 doanh nghiệp trên địa bàn với 60 doanh nghiệp phía Hồng Kông trên nhiều lĩnh vực như logistics, dệt may, nông sản,…

Cần tạo nguồn nhân lực lâu dài, nắm rõ về các FTA

Mặc dù đạt những kết quả nhất định song theo ông Hân, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA vẫn còn rất hạn chế và khó khăn do vẫn kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau.

Để tận dụng tốt hơn nữa trong hưởng lợi từ các hiệp định FTA, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tham mưu cho UBND thành phố tập trung định hướng một số nội dung cơ bản. Trước hết phải bám sát vào chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về hội nhập quốc tế về kinh tế, ngoại giao và đặc biệt bám sát Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng định hướng 2030 và tầm nhìn 2045 và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thương mại điện tử.

Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch về phát triển dịch vụ logistics. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.

Bên cạnh đó phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững và xác định là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt tập trung nguồn nhân lực. Nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, cơ cấu lại ngành công thương, đảm bảo tính chủ động, toàn diện và linh hoạt của nền kinh tế.

Tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng xanh, nhanh, lượng sạch, sử dụng công nghệ 4.0, đặc biệt là tập trung vào các nhà đầu tư cho điện gió, điện rác, năng lượng mặt trời.

“Về nguồn nhân lực, chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp sẵn sàng cử đi đào tạo, phục vụ cho việc thực hiện các hiệp định FTA trong thời gian tới”- ông Hân chia sẻ.

Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một đội ngũ chuyên gia và thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian tới trên địa bàn thành phố Hải Phòng, ông Hân đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về FTA. Tạo nguồn nhân lực lâu dài, hiểu biết và nắm rõ về các FTA thông qua triển khai đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng như thành lập các khoa, ngành chuyên sâu về FTA, đưa vào các trường.


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website