A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với vụ việc phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang EU và Vương Quốc Anh

Trong cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ Thương mại, Phòng Xử lý các vụ việc Phòng vệ thương mại nước ngoài (Phòng 3) sẽ trực tiếp hỗ trợ, đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại do EU/Vương quốc Anh và các nước đối tác tiến hành điều tra.

1. Các cơ quan, tổ chức tham gia ứng phó vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

Tại Việt Nam, Cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM là Cục PVTM, trực thuộc Bộ Công Thương.

Cục PVTM có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể là:

- Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; 

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng liên quan trong việcxử lý các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;

- Thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết tranh chấp về các vụ kiện phòng vệ thương mại và các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại tại WTO, các Hiệp định thương mại và các tổ chức quốc tế khác;

 - Đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý vấn đề nền kinh tế thị trường với các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan;

- Chủ trì và/hoặc tham gia thảo luận, đàm phán vấn đề phòng vệ thương mại trong các điều ước quốc tế về thương mại, các Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam với các đối tác và các diễn đàn quốc tế khác theo phân công của Lãnh đạo Bộ Công Thương.

Trong cơ cấu tổ chức của Cục PVTM, Phòng Xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài (Phòng 3) sẽ trực tiếp hỗ trợ, đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM do EU/Vương quốc Anh và các nước đối tác tiến hành điều tra.

Thông tin liên hệ của Cục PVTM như sau:

Cục Phòng vệ thương mại Tầng 8, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Số điện thoại: 024.7303.7898

Email: CucPVTM@moit.gov.vn

Trang điện tử chính thức: http://www.trav.gov.vn/, http://www.pvtm.gov.vn

Tại EU, Cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp là Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Lúc-xăm-bua, Ủy ban châu Âu)

Địa chỉ: Avenue de Foestraets 16,1180 Uccle - Brussels, Belgium

Điện thoại: +32 23 11 89 76; +32 470 49 8333

Fax: (+32)2 347 0335 Email:quantn@moit.gov.vn, be@moit.gov.vn

Tại UK, Cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp là Thương vụ Việt Nam tại Anh (Kiêm nhiệm Ai-len)

Địa chỉ: F 23, Bullingham Mansions Pitt Street

Điện thoại: +44 207 207 9825 Fax: (+44) 20 3524 1732

Email:uk@moit.gov.vn

Ứng phó với các vụ việc từ EU

Khi nào doanh nghiệp bị điều tra chống bán phá giá

Một vụ việc điều tra chống bán phá giá ở EU thông thường căn cứ trên hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước của EU hoặc từ Quyết định của chính Ủy ban Châu Âu (tự khởi xướng điều tra).

Hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước của EU hoặc Quyết định tự khởi xướng điều tra của EU phải đầy đủ các thông tin ban đầu chứng minh hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, việc hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước...

Các thông tin có thể tìm thấy trong Hồ sơ yêu cầu:

+ Thông tin mô tả sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá và thông tin mô tả sản phẩm tương tự được sản xuất trong EU

+ Thông tin về chủ thể nộp đơn: Để đơn kiện hợp lệ, phải bảo đảm rằng các nhà sản xuất ủng hộ hồ sơ yêu cầu phải đáp ứng tính đại diện cho ngành, tức là phải (i) chiếm không dưới 50% tổng sản lượng sản phẩm tương tự (với sản phẩm bị điều tra) sản xuất bởi các nhà sản xuất có ý kiến về đơn kiện (ủng hộ hoặc phản đối đơn kiện) và (ii) chiếm không dưới 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự (với sản phẩm bị điều tra) sản xuất ra bởi tất cả các nhà sản xuất trong nước EU (bao gồm cả những người phản đối, ủng hộ hoặc không có ý kiến gì).

+ Số liệu chứng minh hành vi bán phá giá.

+ Thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu bị bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

+ Lợi ích công cộng: Để áp dụng biện pháp PVTM, Uỷ ban Châu Âu sẽ xem xét tác động của biện pháp tới các thành phần kinh tế trong EU, do vậy, Hồ sơ sẽ bao gồm các nội dung đánh giá tác động này. Trong giai đoạn ngành sản xuất EU nộp đơn yêu cầu, các doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu Việt Nam có liên quan có thể liên hệ Cục PVTM để được hỗ trợ tiếp cận thông tin của Hồ sơ (bản công khai) và nghiên cứu kỹ đơn kiện, xem xét tư cách khởi kiện của nguyên đơn, đưa ra các lập luận phản bác lại cáo buộc của nguyên đơn để cơ quan điều tra xem xét không khởi xướng điều tra hoặc nguyên đơn rút đơn kiện.

Cơ quan có thẩm quyền khởi xướng điều tra một vụ việc điều tra chống bán phá giá là Ủy ban Châu Âu. Một vụ việc điều tra chống bán phá giá chỉ được Ủy ban Châu Âu khởi xướng điều tra trong trường hợp cơ quan này xác định đơn kiện là đầy đủ và hợp lệ, nguyên đơn đủ tư cách điều tra.

Thời hạn để Ủy ban Châu Âu ra quyết định/thông báo khởi xướng điều tra là 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu. Thông báo khởi xướng của Ủy ban Châu Âu bao gồm các nội dung sau:

- Thông tin trong hồ sơ yêu cầu;

- Thông tin về hàng hóa bị điều tra;

- Thông tin về thủ tục điều tra.

Thông thường EC thông báo khởi xướng điều tra bằng trên trang thông tin điện tử chính thức của EC đồng thời gửi thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước bị điều tra. Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin trên trang điện tử chính thức này và theo dõi thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương để theo dõi thông tin khởi xướng điều tra và nhận các hướng dẫn tham gia kháng kiện.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website