Kết nối giao thương Ấn Độ - Mekong trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp các nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam giao thương trực tuyến với các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ, ngày 11/10/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với các Cơ quan XTTM tại Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia đã tổ chức “Chương trình Kết nối giao thương Ấn Độ - Mekong Seri 2: Thương mại xuyên biên giới” (trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm).
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ - Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng, do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Tại sự kiện, đại diện các nước Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia đã giới thiệu về môi trường kinh doanh tại các quốc gia, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm để việc hợp tác thương mại, đầu tư giữa các quốc gia này được thành công.
Nông sản, thực phẩm là ngành xuất khẩu nổi trội của Việt Nam
Tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là khoảng thời gian đầy khó khăn cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dù chịu tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn có sự tăng trưởng lạc quan trong năm 2021.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại sự kiện
Theo báo cáo của Ngân hàng ADB, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 3,8% trong năm nay và sẽ có thể đạt tới con số 6,5% vào năm 2022. Mức tăng trưởng này có thể đạt được nhờ các yếu tố: Sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại tự do mang lại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế như loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh truyền thống và kinh tế số, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các mạng lưới kinh doanh quốc tế và toàn cầu.
9 tháng đầu năm nay, thương mại quốc tế của Việt Nam tiếp tục sôi động với kim ngạch trên 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%.
Nông sản, thực phẩm là ngành xuất khẩu nổi trội của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng như sắn, hạt tiêu, nhân điều, rau quả.
Việt Nam có thế mạnh nổi trội về xuất khẩu nông sản, thực phẩm và được coi là nguồn cung quan trọng của thế giới đối với nhiều mặt hàng mũi nhọn như hạt tiêu, hạt điều, gạo, chè, cà phê, sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm…
Ông Vivek Sharma, Tổng Giám đốc, Công ty Aarna Agro & Angel Fine Foods, Việt Nam cũng nhận định, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển một số loại nông sản: cà phê, gạo… Quy mô đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.
Thị trường xuất khẩu các mặt hàng này cũng đã được mở rộng tới hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang có chuyển dịch tích cực tới các thị trường bậc cao. Khu vực Châu Á hiện chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương. 4 thị trường xuất khẩu chính sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, để hàng hóa nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi, các cơ quan quản lý nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã hết sức tích cực hướng dẫn các địa phương, vườn trồng, cơ sở đóng gói hàng nông sản, thực phẩm làm sạch các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại các cửa khẩu quốc tế, giúp thông quan nhanh.
Tăng cường giao thương hợp tác
Với việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA…, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam để hợp tác với Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan trong việc mở rộng thị trường nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh xuất khẩu, sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao từ Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan cũng là mặt hàng được nhập khẩu nhiều bởi nhu cầu cao của người tiêu dùng Việt Nam và nhu cầu của các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu.
Bà Saithong Soiphet, Tham tán Công sứ, Trung tâm Thương mại Thái Lan cũng chia sẻ về thị trường nông sản thực phẩm Thái Lan. Theo bà Saithong Soiphet, Thái Lan là nước có nền nông nghiệp phát triển. Ngành nông nghiệp có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nước này.
Cũng như Thái Lan, ông Mong Sokheang, Trưởng phòng Giao dịch thương mại, Tập đoàn Soma Campuchia cũng cho biết, tại Campuchia, nông nghiệp là ngành thu hút nhiều lao động, đem lại thu nhập và công ăn việc làm cho người dân. Chính vì vậy, đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp được Chính phủ Campuchia hết sức quan tâm.
Đến nay, nhiều loại nông sản, thực phẩm của Thái Lan, Campuchia cũng như Ấn Độ đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ông Lê Hoàng Tài chia sẻ, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này cần chú ý những loại giầy tờ cần thiết khi nhập khẩu vào Việt Nam: Ngoài vận đơn, hóa đơn, phiếu đóng gói, cần có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu của sản phẩm nông sản do Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp.
Trước khi hàng đến Việt Nam cần được đăng ký với cơ quan kiểm dịch thực vật để lấy mẫu lô hàng tại cảng/sân bay. Bộ hồ sơ gồm có: Giấy đăng ký kiểm dịch, bản khai kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu; giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; vận đơn, hóa đơn, phiếu đóng gói; các giấy tờ khác (đối với các mặt hàng nông sản đặc biệt).
Về thông quan hàng hóa, hồ sơ gần giống như trên, nhưng thêm một số giấy tờ khác như: C/O, tờ khai hải quan. Cuối cùng, doanh nghiệp đợi có kết quả kiểm dịch thì thông quan và kéo hàng về.
Với vai trò của mình, ông Lê Hoàng tài cho biết, Cục XTTM luôn ủng hộ, nỗ lực làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và các nước Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả.
“Nếu doanh nghiệp có bất kỳ câu hỏi hay cần sự trợ giúp gì trong quá trình xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm với Việt Nam, có thể liên hệ Cục XTTM, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương Việt Nam để được trợ giúp”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản thực phẩm của Việt Nam đã có cợ hội giao thương với hàng trăm doanh nghiệp các nước Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.