A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU

Với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội thị trường, khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, thông qua việc cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, đồng thời giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nhập khẩu và hệ thống phân phối tại EU, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU”.

Liên minh Châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (2015 - 2021). Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại thứ 14 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (theo Eurostat, năm 2021).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm 2021 đạt 23,23 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 31,71 tỷ USD, tăng 14,5% so với 6 tháng năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,7%. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt; đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong Khối đạt mức tăng 2 con số. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đà phục hồi và tăng mạnh như dệt may (37,8%), giày dép (19%), cà phê (75,2%), thủy sản (42,1%); rau quả (12,2%)…

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt là năng lực còn hạn chế, không đáp ứng được các tiêu chí mà phía EU đưa ra như thông tin truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch...

Ngoài ra, người tiêu dùng EU cũng đang có xu hướng quan tâm đến các vấn đề môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Trong khi đó, hiện EU là một trong những nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới.

Thị trường EU cũng đang cố gắng thực hiện nhiều mục tiêu xanh, từ thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu (thuế biên giới carbon), cho đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và nhựa. “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” mà Ủy ban châu Âu (EC) trình bày trước Nghị viện vào ngày 17/5 vừa qua là chiến lược mới nhất trong những nỗ lực trên. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi chưa kịp chuyển đến mô hình "xanh hóa".

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu thông tin cũng trở thành khó khăn kìm chân doanh nghiệp. Thực tế, dù đang ở trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm kiếm đủ thông tin cần thiết về thị trường châu Âu, trong khi theo các chuyên gia, để tiếp cận và trụ vững lâu dài tại EU, doanh nghiệp trước tiên cần phải giải quyết các vấn đề hiện tại của doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc trau dồi kiến thức ngành hàng, nâng cao năng lực tìm kiếm các "bạn hàng" phù hợp.

Với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội thị trường, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU thông qua việc cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, đồng thời giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nhập khẩu và hệ thống phân phối tại EU, chiều ngày 11/8/2022 tại Khách sạn Sài Gòn, 41-47 Đông Du, Quận I, Tp.Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU”.

Hội thảo tập trung trao đổi, giải đáp các thắc mắc về thông tin thị trường, cập nhật các quy định, chính sách mới, xu hướng tiêu dùng và khuyến nghị cách thức tiếp cận, thâm nhập các hệ thống phân phối tại địa bàn cụ thể. Đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và kết nối đối tác trực tiếp, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam sang EU.

Đây là kênh thông tin cần thiết và hữu ích cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ có ý định lựa chọn EU là thị trường mục tiêu cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.


Tác giả: Quang Phạm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website