A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”

Sáng ngày 19/4, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức Tọa đàm “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.

Tham dự tọa đàm có ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam; PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); ông Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng, ông Phạm Văn Cao, Phó trưởng Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh,  ông Nguyễn Phương Sơn, Trưởng ban Đối ngoại và Truyền thông Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam.

Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ, Bộ Công Thương đóng vai trò cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp; Tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật; Phối hợp cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền…

Riêng về UBND các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp các lực lượng tại địa phương (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế...); Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo.

Bên cạnh đó, cần đề cập tới trách nhiệm quản lý của Bộ Công an trong việc thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tiềm năng kinh doanh đa cấp ở Việt Nam còn rất lớn

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bán hàng đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa cấp là mô hình kinh doanh rất phố biến và thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: bạn bè, người thân.

Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.

Theo ông Long, tiềm năng của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam là rất lạc quan, với dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, đời sống của người dân luôn được cải thiện, xu nhập có xu hướng tăng, đặc biệt tầng lớp trung lưu. Do vậy dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi khi tham gia kinh doanh đa cấp như được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng có thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động.

Việt Nam cũng nằm Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019. Số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Indonesia; Thái Lan; Philipines và Malaysia.

Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng

Hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nhấn mạnh những dấu hiệu của đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; Thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; Duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; Từ chối quyền lợi của người tham gia; Mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; Tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới.

Ông Ngô Trí Long khuyến cáo thêm, những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo như: Công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp; Công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán; Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia; Công ty khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người…

Tại tọa đàm, các khách mời cũng đã đưa ra nhiều thông tin thiết thực về việc ai nên tham gia bán hàng đa cấp? Việc tham gia bán hàng đa cấp có thể giúp tất cả thành công và có thu nhập cao? Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Giải pháp nào để chẩm dứt tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp bất chính và biến tướng?...


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website