Tổng quan quan hệ kinh tế Tây Ban Nha - khu vực Mỹ La tin năm 2025: Thách thức và cơ hội
Năm 2025, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoàng gia Elcano của Tây Ban Nha (TBN), được đánh dấu bằng kỷ nguyên Trump (the Trump era), 3 hội nghị thượng đỉnh (Thượng đỉnh EU-CELAC, Thượng đỉnh châu Mỹ và Thượng đỉnh Ibero-American) và bằng quá trình phê chuẩn 2 hiệp định liên kết quan trọng của EU với khối Mercosur và với Mexico, đang đặt ra những thách thức và cơ hội cho TBN và cả EU trong mối quan hệ với các nước khu vực Mỹ La tin.
Mối quan hệ TBN - khu vực Mỹ La tin là hai chiều và cần có sự cập nhật chiến lược. TBN hiện không còn là nhà đầu tư duy nhất ở khu vực Mỹ La tin và đang nhận được dòng đầu tư và di cư đáng kể từ khu vực này. Các công ty Mỹ La tin đang mở rộng sự hiện diện tại TBN và Mexico đã trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Điều này đòi hỏi một chiến lược mới dựa trên quan hệ có đi có lại và tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị.
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump đang định hình lại mối quan hệ với khu vực Mỹ La tin: TBN (và EU) cần phải định vị mình là đối tác chiến lược. Chính quyền Trump đã thắt chặt chính sách thương mại và nhập cư ở khu vực Mỹ La tin, điều này sẽ gây ra căng thẳng với một số quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện kinh tế với các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên. Trong kịch bản cạnh tranh toàn cầu này, TBN và EU có cơ hội củng cố mình như một đối tác đáng tin cậy, thúc đẩy các hiệp định thương mại, tăng cường quan hệ song phương và đưa ra các lựa chọn đầu tư ổn định trong khu vực.
Đầu tư nước ngoài (FDI) và hiện đại hóa kinh tế là chìa khóa cho tương lai của khu vực Mỹ La tin. Mặc dù có sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng tăng trưởng ở khu vực vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu lao động và giảm nghèo. Trong bối cảnh này, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hết sức cần thiết để phát triển bền vững. Tuy nhiên, Chính quyền Trump không ưu tiên chuyển đổi xanh và sẽ gây áp lực buộc các nước trong khu vực không khuyến khích đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chủ chốt như cơ sở hạ tầng, viễn thông và năng lượng.
Những yếu tố này sẽ mở ra cơ hội cho TBN và EU đóng vai trò trung tâm trong khu vực, tạo ra kênh đầu tư chiến lược và thúc đẩy các hiệp định thương mại như EU-Mercosur và hiện đại hóa hiệp định với Mexico. Việc phê chuẩn các hiệp định này là rất quan trọng góp phần tăng cường sự hiện diện của châu Âu cũng như đưa ra các giải pháp kinh tế thay thế khả thi trước tranh chấp địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việc thắt chặt chính sách nhập cư của Hoa Kỳ đòi hỏi phản ứng chiến lược từ TBN và EU. Chính sách nhập cư của Trump có thể dẫn đến sự gia tăng di cư từ khu vực Mỹ La tin sang TBN. Đồng thời, các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, Cuba và Haiti đang tạo ra những làn sóng di cư mới. TBN và EU phải chuẩn bị để quản lý sự di chuyển dân số này, thúc đẩy các chiến lược hòa nhập người di cư một cách hiệu quả.
TBN cần đi đầu trong việc đổi mới mối quan hệ Cộng đồng Ibero-American. Ban thư ký của TBN tại Hội nghị Thượng đỉnh Ibero-American năm 2026 sẽ đại diện cho cơ hội duy nhất để hiện đại hóa hợp tác Ibero-American. Điều quan trọng là tập trung chương trình nghị sự vào các vấn đề chính như di cư, an ninh, tội phạm có tổ chức, chuyển đổi số và quản trị, đảm bảo rằng Cộng đồng Ibero-American vẫn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu. Việc phê chuẩn các hiệp định thương mại như EU-Mercosur sẽ tăng cường nỗ lực này, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn giữa châu Âu và châu Mỹ Latinh.
Thách thức và cơ hội:
Ở góc độ kinh tế, dựa trên sự ổn định kinh tế vĩ mô hợp lý cần nêu bật một số vấn đề sẽ mở ra cơ hội cho EU và TBN và đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho năm 2025. Vấn đề giảm phát đã được cải thiện ở hầu hết các quốc gia. Ngoại trừ Argentina, Venezuela và Haiti, tất cả các quốc gia trong khu vực đều sẽ có lạm phát ở mức một con số. Sau kế hoạch điều chỉnh nghiêm ngặt do Tổng thống Milei khởi xướng vào cuối năm 2023, Argentina đang trong quá trình giảm phát nhanh.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết các nước đang bắt tay vào quá trình củng cố chính sách tài khóa nhằm đối mặt với mặt bằng lãi suất cao, sẽ tạo ra sự ổn định của tỷ lệ nợ công so với GDP. Hệ thống tài chính lành mạnh ở tất cả các chỉ số: vốn, thanh khoản, nợ xấu và khả năng sinh lời. Dự trữ quốc tế cao gấp ba lần khoản nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ, một trong những mức cao nhất trong số các khu vực mới nổi.
Sự hợp lý về kinh tế vĩ mô của hầu hết các quốc gia không phải là ngẫu nhiên. Nó đáp lại nỗ lực tích lũy trong nhiều năm đã tạo ra những tiến bộ phi thường trong quản lý kinh tế vĩ mô. Nếu thành công của kế hoạch ổn định tại Argentina được khẳng định, nền kinh tế thứ ba khu vực này có thể sẽ gia nhập nhóm các nước có kinh tế vĩ mô ổn định.
Triển vọng tăng trưởng vẫn còn yếu. Các nền kinh tế khu vực đã thu hẹp khoảng cách được tạo ra trong đại dịch và đang hoạt động hết công suất. Tuy nhiên theo dự báo của IMF, triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới chỉ ở mức 2,5%/năm không đủ thu hút những người mới gia nhập thị trường lao động, giảm tỷ lệ đói nghèo cao và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu mới nổi dễ bị tổn thương cũng như tâm lý lo sợ mất đi những thành quả đã đạt được trong 20 năm qua. Sau một thập kỷ GDP bình quân đầu người bị trì trệ, tăng trưởng đang là thách thức quan trọng nhất.
Nhu cầu cấp thiết để kích hoạt lại tăng trưởng là động lực lớn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, cho phép đa dạng hóa ma trận sản xuất, đặc biệt là trong khuôn khổ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Do đó, các công ty châu Âu và TBN có thể đóng vai trò cơ bản trong quá trình hội nhập hai khu vực của chuỗi giá trị công nghiệp giảm thải các bon, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và rẻ của khu vực.
Đại thắng của Trump với phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện, một Tòa án Tối cao thân thiện, một chính phủ gồm những nhân vật trung thành cam kết với chương trình nghị sự của Ông và kinh nghiệm của nhiệm kỳ thứ hai sẽ nâng cao khả năng thực thi và quyết tâm của Ông là điềm báo đáng kể và trong nhiều trường hợp sẽ là những thay đổi mang tính thù địch đối với khu vực Mỹ La tin. Một số thay đổi này là đặc biệt nhạy cảm đối với khu vực và sẽ mang lại cơ hội cho EU và TBN nắm bắt. Về góc độ kinh tế sẽ có ba lĩnh vực liên quan là nhập cư, thương mại và đầu tư với những hệ quả tiềm ẩn đối với TBN, cụ thể về thương mại và đầu tư là như sau:
Về thương mại:
Trump tuyên bố ý định áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada như một cách gây áp lực cho các nước láng giềng của mình thực hiện các biện pháp ngăn chặn di cư và buôn bán fentanyl qua biên giới. Chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” (America First) cũng có thể dẫn đến việc đàm phán lại các hiệp định thương mại với Mexico (và Canada), Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Trung Mỹ và Cộng hòa Dominica (DR-CAFTA) trong những điều kiện ít thuận lợi hơn. Điều này có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại, đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ.
Khả năng này sẽ mở ra cơ hội thương mại cho EU, nơi có các hiệp định liên kết và/hoặc thương mại tự do (FTA) với Mexico, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Trung Mỹ và CARIFORUM. Việc Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận liên kết EU-Mercosur và thỏa thuận hiện đại hóa EU-Mexico là điều cần thiết để tận dụng chúng. Vai trò của TBN là phải mang tính quyết định trong việc phê chuẩn các hiệp định thương mại này cũng như trước đây trong việc kết thúc đàm phán. Việc kết thúc đàm phán với Mexico là một tín hiệu rất quan trọng trong quá trình này.
Đối với khối Mercosur, Mexico và toàn bộ châu Mỹ La tin, đây là những thỏa thuận chiến lược trước những bất ổn bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Đối với EU, đó là khả năng trở thành người chơi thống trị trong khu vực. Nếu được phê chuẩn, EU sẽ có các thỏa thuận chiếm 95% GDP của khu vực Mỹ La tin, so với 44% của Mỹ và 14% của Trung Quốc, đồng thời sẽ là cường quốc có sự hiện diện lớn nhất và quan hệ sâu sắc nhất trong khu vực. Sự hợp tác như vậy sẽ mang lại lợi ích chung to lớn. Nền kinh tế của EU và Mỹ La tin mang tính bổ sung cho nhau. Khu vực châu Mỹ La tin có nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản dồi dào, khả năng sản xuất năng lượng sạch và thực phẩm hữu cơ trên quy mô lớn. Trong khi EU có thể cung cấp vốn, công nghệ tiên tiến và bí quyết cần thiết để giúp phục hồi đầu tư và tăng trưởng trong khu vực.
Về đầu tư:
Cạnh tranh chiến lược và khả năng gia tăng thù địch với Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ gây thêm áp lực lên các nước Mỹ La tin nhằm cản trở đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ quan trọng (cảng, mạng 5G, năng lượng). Một ví dụ gần đây minh họa những căng thẳng tiềm tàng này: Đảng Cộng hòa đã đề xuất một mức thuế nặng nề đối với việc nhập khẩu tất cả các sản phẩm đi qua siêu cảng Chancay của Peru. Dự án này do công ty nhà nước Trung Quốc COSCO Shipping liên kết với Volcán Compañía Minera của Peru phát triển là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Những tình huống như vậy sẽ buộc các chính phủ trong khu vực phải giải quyết các lợi ích đầu tư cạnh tranh của Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời có thể mở ra những cơ hội tuyệt vời cho các công ty châu Âu. Việc Chính quyền Trump giảm bớt sự chú trọng vào vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm giảm mức độ ưu tiên của các dự án năng lượng tái tạo, mở đường cho Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) với các dự án hướng tới quá trình chuyển đổi xanh - một trong những trục ưu tiên của EU.
Năm 2023, TBN là nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực (chiếm 11% tổng vốn) và vốn FDI của nước này chiếm 52% tổng vốn đầu tư của toàn bộ châu Âu. EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của khu vực Mỹ La tin và là nước đóng góp chính cho hợp tác phát triển. Thương mại song phương đã tăng 39% trong 10 năm qua. Nhờ vào khoản đầu tư tích lũy 693 tỷ Euro vào năm 2022, EU là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu với tổng vốn đầu tư tương đương với đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên bang Nga cộng lại. Thêm vào đó là Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu bao gồm khoản đầu tư 45 tỷ Euro cho đến năm 2027.
Như vậy, năm 2025 với việc Trump trở lại Nhà Trắng và căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và một số nước Mỹ La tin sẽ mở ra cơ hội cho TBN và EU nổi lên như một giải pháp thay thế đáng tin cậy và là đồng minh chiến lược trong khu vực. Sự hiện diện của TBN và châu Âu sẽ được triển khai trong nhiều kịch bản khác nhau, bắt đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh EU-CELAC năm 2025 và Hội nghị Thượng đỉnh Ibero-American năm 2026.
Liên minh chiến lược hai khu vực trước sự triển khai của Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể trở nên sâu sắc hơn với việc phê chuẩn 2 hiệp định liên kết quan trọng (EU-Mercosur và EU-Mexico) như là nền tảng không chỉ đối với chiến lược thương mại mà còn là một thông điệp chính trị. Điều quan trọng nữa là sẽ thúc đẩy đầu tư của TBN và châu Âu vào các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như nguyên liệu thô thiết yếu, năng lượng tái tạo và chuỗi công nghiệp giảm thải các bon, tận dụng ưu thế của các sáng kiến như Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu.
Trước sự mở rộng của Trung Quốc và chủ nghĩa đơn phương của Trump, TBN và EU cam kết có mối quan hệ đối xứng hơn, tập trung vào việc bảo vệ các giá trị chung (đa phương và dân chủ) cũng như tầm nhìn chung về thương mại (dựa trên luật lệ) và phát triển bền vững. EU và TBN có thể sẽ là những đối tác cho phép khu vực Mỹ La tin không chỉ đa dạng hóa các mối quan hệ địa chính trị, kinh tế và thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết hợp của ma trận sản xuất và xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh Ibero-American được tổ chức tại TBN vào năm 2026 sẽ là bước ngoặt nhằm củng cố hơn nữa quan hệ Ibero-American và chứng minh rằng TBN sẽ tiếp tục vừa là đối tác chiến lược vừa là cầu nối không thể thiếu giữa châu Âu và khu vực châu Mỹ La tin.