Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Na Uy trong tình hình mới
Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy, ngày 25 tháng 11 năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, Cơ quan Xúc tiến thương mại Na Uy (Innovation Norway) và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy với chủ đề: “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình mới”.
Đây là một trong những hoạt động kết nối giao thương trực tuyến trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021 do Bộ Công Thương chủ trì với mục đích đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước và tin tưởng rằng chương trình sẽ thành công tốt đẹp. Thứ trưởng nhấn mạnh, hội nghị giao thương trực tuyến “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình mới” là một trong những hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, chuẩn bị sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy (11/1971 – 11/2021). Thông qua Hội nghị giao thương trực tuyến lần này, các bên sẽ cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ song phương Việt Nam – Na Uy ngày một vững mạnh hơn".
Bà Janicke Andreassen – Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Na Uy và Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khi hậu, phát triển bền vững.... Theo bà, việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và một số các hiệp định khác, đã tác động tích cực đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm gần đây.
Tại hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Na Uy, ông Lê Hồng Lam đã cung cấp các thông tin về tình hình hợp tác thương mại Việt Nam – Na Uy trong bối cảnh Covid-19. Ông cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2020, thương mại song phương Việt Nam – Na Uy ghi nhận mức tăng trưởng khá ổn định, hơn 10% hàng năm và đạt 1 tỷ USD vào năm 2020 (số liệu ITC / EFTA) hoặc một nửa con số đó (số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, chênh lệch lớn do phương pháp tính), trong đó Việt Nam đang được hưởng thặng dư. Xét về các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh nhất của mỗi nước (nông sản của Việt Nam và sản phẩm năng lượng tái tạo của Na Uy), các số liệu cho thấy cả hai nước đều chưa phát huy hết tiềm năng xuất khẩu của mình”.
Ông Erling Rimestad – Vụ trưởng, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đã gửi tới các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam những cập nhật về cơ chế, chính sách thương mại của Na Uy, các quy tắc và quy định liên quan đến các mặt hàng thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Na Uy. Để làm rõ hơn những chính sách và quy định thương mại của Việt Nam liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam đã tham gia từ trước đến nay, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương Việt Nam đã có bài thuyết trình cụ thể và chi tiết. Qua đó, giải đáp phần nào nhu cầu của các doanh nghiệp hai nước trong tìm hiểu về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và Na Uy nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương.
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã chia sẽ những mặt hàng tiềm năng Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Na Uy, trong đó tập trung vào các mặt hàng thủy sản. Các thông tin cụ thể về mặt hàng, giá trị xuất khẩu, lợi thế của mặt hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực được truyền tải tới các tổ chức, doanh nghiệp Na Uy tham gia chương trình. Bên cạnh đó, Ông Asbjorn Warvik Rortveit - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Thủy sản Na Uy cũng giới thiệu đến các đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thủy sản tại Na Uy cũng như những thị hiếu tiêu dùng của người dân Na Uy đối với mặt hàng thủy sản. Ngoài ra, phía Na Uy cũng giới thiệu về một trong những lĩnh vực thế mạnh của mình là nguồn năng lượng sạch (năng lượng gió, khí hóa lỏng) với những tập đoàn lớn như Equinor, Norwegian Energy Partner.
Ngay sau hội nghị, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, chương trình giao thương đến 19.00 cùng ngày đã kết nối trực tuyến cho khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy. Buổi Giao thương đã diễn ra thành công với hơn 30 phiên giao thương nhỏ. Các doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam tham gia đánh giá cao việc Ban tổ chức đã thu xếp các phòng giao thương trực tuyến riêng, danh sách doanh nghiệp được chia theo nhu cầu của từng doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực, ngành hàng phù hợp, đảm bảo làm việc đúng người, đúng việc. Phần lớn các đơn vị đều đạt được những mục tiêu đề ra khi tham gia chương trình.