A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trưng cầu dân ý tại Thụy Sỹ: Cử tri ủng hộ một số vấn đề quan trọng

Ngày 18/6/2023, Thụy Sỹ đã tổ chức trưng cầu dân ý về 3 vấn đề quan trọng, đó là: áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; thông qua luật về bảo vệ khí hậu, đổi mới và an ninh năng lượng; kéo dài việc áp dụng Luật Covid-19. Kết quả cho thấy cử tri nước này đã ủng hộ cả 3 vấn đề liên quan.

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là “chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD khởi xướng, hiện đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Thụy Sỹ. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro mỗi năm (hay 800 triệu USD) trở lên. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Nhiều công ty đa quốc gia hoạt động tại Thụy Sỹ hiện đang nộp thuế thấp hơn 15%. Khi thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu lên các công ty liên quan bằng cách đánh thuế bổ sung. Dự kiến khoảng vài trăm doanh nghiệp Thụy Sỹ và vài nghìn chi nhánh các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Thụy Sỹ sẽ bị tác động bởi chính sách này. Chính phủ Thụy Sỹ ước tính trong năm đầu tiên triển khai chính sách, doanh thu từ việc áp thuế bổ sung sẽ đạt từ 1,1 đến 2,7 tỷ USD. Trong đó, 75% sẽ được nộp lại cho các bang, 25% cho Liên bang. Nhờ hệ thống cân bằng tài chính, tất cả các bang đều sẽ được hưởng lợi từ khoản thu thuế bổ sung.

Tại Thụy Sỹ, vì việc áp dụng chính sách đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp Liên bang, nên theo quy định của nước này, phải tổ chức trưng cầu dân ý để được thông qua. Tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/6/2023, cử tri Thụy Sỹ đã ủng hộ áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu với tỷ lệ ủng hộ đạt 78,5%.

Luật về bảo vệ khí hậu, đổi mới và an ninh năng lượng được Quốc hội Thụy Sỹ thông qua vào tháng 9/2022, đặt ra các mốc giảm phát thải khí carbon nhằm đảm bảo cho Thụy Sỹ đáp ứng được các cam kết quốc tế về khí hậu và tìm cách giảm dần việc phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, phát triển năng lượng tái tạo trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng.

Luật không quy định việc đánh thuế hoặc các hành động mang tính bắt buộc mà tập trung vào việc khuyến khích và hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi năng lượng, thay thế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Mục tiêu là đưa mức phát thải ròng của Thụy Sỹ bằng không vào năm 2050.

Do vấp phải ý kiến phản đối của một số tổ chức dân sự, Luật phải đưa ra trưng cầu dân ý. Tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/6/2023, cử tri Thụy Sỹ đã ủng hộ Luật này với tỷ lệ ủng hộ đạt 59,1%.

Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại Thụy Sỹ năm 2020, Luật Covid-19 được Quốc hội Thụy Sỹ thông qua tháng 9/2020 đề ra các biện pháp chống lại đại dịch. Nhiều quy định của Luật sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, Thụy Sỹ cho rằng mặc dù đại dịch đã bị đẩy lùi và mọi hoạt động đã trở lại bình thường, nguy cơ tái bùng phát vẫn chưa thể loại trừ. Do vậy, tháng 12/2022, Quốc hội Thụy Sỹ đã gia hạn thời gian áp dụng một số biện pháp trong Luật Covid-19 cho đến giữa năm 2024. Việc này sẽ cho phép các cơ quan chức năng hành động nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hệ thống chăm sóc sức khỏe trước nguy cơ tái bùng phát đại dịch. Tuy nhiên, một số tổ chức dân sự đã kêu gọi chống lại việc kéo dài những quy định này, vì vậy phải tổ chức trưng cầu dân ý. Tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/6/2023, cử tri Thụy Sỹ đã ủng hộ việc kéo dài Luật đến giữa năm 2024 với tỷ lệ ủng hộ đạt 61,9%.


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website