A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UKVFTA - Đòn bẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh

Việc tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA)  sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.

Là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các cam kết trong UKVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - thương mại theo hướng hiện đại, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nói chung.

Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả hai nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.

Nhận định về kết quả sau một thăm thực thi Hiệp định UKVFTA, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết, năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn đối với thương mại toàn cầu khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Mặc dù vậy, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua. Đây chính là cơ sở đánh giá tốt nhất đối với các tác động tích cực do Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Bằng cách giảm thuế, chúng ta đã thúc đẩy thương mại ở cả hai chiều. Minh chứng cụ thể nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử từ Việt Nam sang Anh quốc. Nhóm hàng này của Việt Nam đã được hưởng lợi từ hiệp định. Ở chiều ngược lại, vaccin được sản xuất ở Anh quốc đã được sử dụng ở Việt Nam, các phần mềm được phát triển ở Anh quốc cũng đã được sử dụng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như nông sản hay đồ nội thất cũng đã tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định.

Mặt khác, từ ngày 18/3, Chính phủ An đã dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đi lại quốc tế, theo đó, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng.

Ông Nguyễn Cảnh Cường đưa ra dẫn chứng về mặt hàng gạo. Đây là mặt hàng có tiềm năng lớn tại thị trường Anh nhưng hiện chưa được khai thác triệt để. Trong cả năm 2021, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng mà hai nước có thể  thúc đẩy hợp tác.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để các Bộ, ngành căn cứ vào đó thực thi Hiệp định UKVFTA, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội mà UKVFTA mang lại, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nên chủ động, trước hết là chủ động nghiên cứu cả nội dung của UKVFTA; tìm xem đối với doanh nghiệp mình, cơ hội sẽ xuất hiện ở đâu và sau đó cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật của Vương quốc Anh đối với hàng nhập khẩu.

Dưới góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, UKVFTA là FTA có lợi thế tương đối mạnh so với các FTA khác mà Việt Nam đã thực hiện. Hiệp định UKVFTA có khoảng thời gian chạy đà trong khi các FTA khác không có. 5 tháng trước thời điểm ngày 1/1/2021 khi Hiệp định UKVFTA tạm thời có hiệu lực, hoạt động thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh đã được thực hiện theo FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Nhờ vậy, doanh nghiệp có thời gian làm quen, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thời gian làm quen. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để UKVFTA được thực thi có đà để chạy tốt hơn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cũng như châu Âu, Vương Quốc Anh là thị trường khó tính, do vậy các cơ quan xúc tiến thương mại cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối với bạn hàng, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Anh… Không phải cứ có hiệp định là tự nhiên sẽ có thị trường hay khách hàng mà còn thông qua nỗ lực lâu dài tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác, hiểu các quy định để tuân thủ… Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần tạo cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.


Tác giả: Hà Vi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website