Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Việt Nam đạt những cam kết cao về mở cửa thị trường hàng hóa
Cùng với việc Chính phủ Anh đã thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn hiệp định CPTPP (ngày16/5/2024) thì các quốc gia thành viên khác của CPTPP trong đó có Việt Nam cũng phải hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của từng nước. Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh ngay tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 15 cũng cho thấy Việt Nam sẽ nằm trong số 6 nước đầu tiên ký nghị định thư CPTPP của Vương quốc Anh.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên(Bộ Công Thương) - ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện chủ trương nhất quán về việc đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế thì có những bước tiến mạnh mẽ và tham gia những sân chơi với tiêu chuẩn cao, trong đó, Hiệp định CPTPP là một trong những hiệp định được kết thúc đàm phán tại Việt Nam. Hiệp định này khi được xây dựng đã tính đến chuyện là cần được mở rộng để thể hiện vị thế của khu vực trong thương mại quốc tế, và Anh là đối tác đầu tiên mà các nước CPTPP quyết định đàm phán gia nhập. Trải qua một thời gian đã kết thúc thành công quá trình đàm phán này.
Đối với hiệp định CPTPP, các nước đều có chủ trương coi trọng thương mại dựa trên quy tắc theo hướng mở, và cùng hợp tác để thúc đẩy theo xu hướng các bên cùng có lợi. Trong khi đó, Vương Quốc Anh sau khi rời EU cũng có xu hướng tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và hai bên đã cùng gặp nhau ở mục tiêu chung đó, rồi đi đến kết thúc đàm phán. Chính vì vậy mà vào tháng 7/2023, các nước đã ký kết đồng ý việc Anh tham gia CPTPP.
Tuy nhiên, việc ký kết này cần phải được Quốc hội của các bên phê chuẩn. Và theo quy định, nếu Hiệp định được Vương Quốc Anh cùng với tối thiểu là 06 nước thành viên phê chuẩn thì sẽ có hiệu lực dự kiến vào tháng 10/2024. Chính vì vậy, chúng ta cũng đã thúc đẩy quá trình phê chuẩn ở trong nước để có thể cùng với Vương Quốc Anh và các nước CPTPP khác đưa hiệp định vào thực thi.
Cho đến nay thì đã có Vương Quốc Anh và 04 nước thành viên CPTPP hoàn tất quá trình phê chuẩn ở trong nước. Và nếu như Việt Nam hoàn tất quá trình phê chuẩn này thì Hiệp định nhiều khả năng sẽ được đưa vào thực thi đúng thời điểm đã được dự tính. Chính vì vậy, việc xem xét cho ý kiến của Quốc hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này tiếp tục thể hiện chủ trương chung như khi Quốc hội chúng ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP ban đầu.
Khi Vương quốc Anh đàm phán gia nhập CPTPP, tức là Anh đàm phán để mở cửa thị trường cho các nước CPTPP và chấp nhận những quy tắc, luật chơi chung đã được các nước CPTPP thiết lập nên. Chính vì vậy, quá trình thực thi CPTPP sẽ giúp cho các nước thành viên tiếp cận tốt hơn thị trườngAnh.
Đặc biệt, với Việt Nam thì Anh cũng dành cho Việt Nam những cam kết rất cao về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Cùng với đó, xét về mục tiêu chung của CPTPP thì Vương quốc Anh cũng đã công nhận nền kinh tế Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Ông Lương Hoàng Thái cũng cho biết thêm, khi Hiệp định CPTPP được đưa vào thực thi thì chúng ta cũng đã đặt ra một nguyên tắc, đó là: nếu các nước quan tâm đến Hiệp định sẵn sàng chơi theo luật chơi chung của Hiệp định, sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, và chấp nhận tất cả những luật chơi chung của thương mại quốc tế đó thì cũng có thể tham gia CPTPP. Vương Quốc Anh là nước đầu tiên đã khẳng định quyết tâm đó của mình, và chúng ta cũng đã cùng với các nước đàm phán thành công việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP.
Trong thời gian tới, các thành viên CPTPP sẽ tiếp tục xem xét một số nền kinh tế khác có quan tâm đến Hiệp định này. Minh chứng cụ thể là một số nước đang nộp hơn xin gia nhập CPTPP, cùng với đó, có nhiều nền kinh tế ở khu vực ASEAN cũng bày tỏ sự quan tâm đối với Hiệp định này. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng một thiết chế mang tính cởi mở và kết nạp thành viên thì chúng ta cũng luôn khẳng định là chúng ta ủng hộ CPTPP, lấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt lấy vị trí trung tâm của ASEAN làm nòng cốt để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các đối tác trên toàn cầu, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023.
Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên của Hiệp định đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.