A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lai: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con miền núi

Là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con khu vực miền núi.

Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 7/8/2018 phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

Đến ngày 28/2/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có Quyết định số 80/QĐ-UBND ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Trong giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh Gia Lai có 122 dự án liên kết đã được thẩm định, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện (1 dự án cấp tỉnh và 121 dự án cấp huyện). Tổng kinh phí thực hiện các dự án gần 289 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 85,7 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, Hợp tác xã đóng góp gần 15 tỷ đồng, vốn người dân đóng góp 188,3 tỷ đồng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, triển khai thực hiện có 88 Hợp tác xã nông nghiệp và 34 doanh nghiệp tham gia, chủ trì chuỗi liên kết. Sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trở thành hướng đi bền vững.

Hiện tổng kinh phí hỗ trợ và giải ngân cho các dự án liên kết giai đoạn 2018-2022 là hơn 59,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, đạt 69% kế hoạch.

Điển hình, huyện Chư Sê (Gia Lai) hiện đã hình thành 2 dự án liên kết sản xuất gồm: Dự án trồng dâu nuôi tằm liên kết giữa Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang với 64 hộ dân và Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhãn Hương Chi theo chuỗi giá trị liên kết giữa Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân với 100 hộ dân từ sau 5 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Xúc tiến thương mại và quảng bá nông sản miền núi là một trong những giải pháp tỉnh Gia Lai đẩy mạnh triển khai nhằm tìm cơ hội về đầu ra cho nông sản miền núi. Đơn cử, cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Gia Lai) phối hợp với UBND xã Ia Kênh, TP. Pleiku tổ chức Khai mạc Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Phiên chợ diễn ra trong 2 ngày (26 và 27-8) tại Trung tâm văn hóa thể thao xã Ia Kênh, TP. Pleiku, với quy mô hơn 20 gian hàng với các sản phẩm cà phê, trà, tinh dầu và nhiều hàng nông sản địa phương của các hộ sản xuất ở một số huyện trên địa bàn tỉnh…

Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Phiên chợ sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định, kết hợp giải trí, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Liên tục từ đầu năm đến nay, các địa phương của Gia Lai đã tổ chức 10 sự kiện xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP như các loại rau quả, trái cây, mật ong, thịt heo và 38 sản phẩm đã qua sơ chế như cà phê, hạt mắc ca, hạt điều muối, mít sấy khô, trà… Tất cả các sản phẩm đều được các địa phương lựa chọn, đánh giá là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, địa danh…

Ông Phạm Nhuần - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết, các phiên chợ nông sản là hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm thuỷ sản của địa phương do hội viên nông dân sản xuất ra. Đồng thời, là dịp để cán bộ, hội viên nông dân cùng bà con học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Qua đây cũng góp phần nâng cao nhận thức người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là cơ hội để khách du lịch đến với Gia Lai được mua sắm các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

Bằng tổng hoà các giải pháp, Gia Lai khẳng định quyết tâm sẽ tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của bà con miền núi, tạo sinh kế bền vững cho bà con.


Tác giả: Bảo Lâm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website