Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hoá giữa các tỉnh Bình Định, Hà Nội, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng
Sáng ngày 23 tháng 12 năm 2021, Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hoá giữa các tỉnh Bình Định, Hà Nội, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng do Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức đã diễn ra trực tiếp tại thành phố Quy Nhơn và các điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và Sở Công Thương của các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định; đại diện UBND, phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bình Định; đại diện các sàn thương mại điện tử, các siêu thị, hệ thống phân phối và sự hiện diện của gần 100 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, đầu mối tiêu thụ sản phẩm đến từ các tỉnh Bình Định – Hà Nội - Vĩnh Long – Hậu Giang – Tây Ninh và Sóc Trăng.
Tại Hội nghị, các tỉnh tham gia chương trình đã giới thiệu các đặc sản, thế mạnh của địa phương như trái cây Vĩnh Long, Hậu Giang, gạo Sóc Trăng, Tây Ninh,… Theo bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định: Hiện nay Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ, hàng năm, mức luân chuyển hàng hóa hơn 12%. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua, nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc luân chuyển hàng hóa. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị này nhằm giúp tỉnh đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với thị trường lớn là Hà Nội, qua đó tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường Thủ đô.
Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong dịp lễ Tết Nhâm Dần sắp tới, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong sẽ trở nên sôi động hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân Thành phố ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đánh giá cao sự phối hợp từ các tỉnh, các sở,… trong việc tổ chức kết nối hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá tại Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ tại Hội nghị về định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội: “Để có thể làm tốt việc phân phối hàng hóa tại các thị trường, các thương hiệu cần thay đổi cách nghĩ và cách làm, tìm hiểu kỹ các xu hướng tiêu dùng, thủ tục chất lượng, mẫu mã trước khi đưa vào các hệ thống phân phối. Nên ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu ở địa phương, sẵn sàng chấp nhận mức giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường đây là cơ hội để các nhà cung cấp, các sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền có thể đẩy mạnh quảng bá xúc tiến tại Hà Nội và các thị trường khác. Hơn nữa, doanh nghiệp cần thay đổi nhanh và kỹ lưỡng về việc chuẩn bị sản phẩm như phương thức đóng gói, cách thức phân phối, chất lượng, tiếp thị,… việc kết nối giữa các đơn vị xúc tiến là quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn là điều tiên quyết để việc xúc tiến thành công".
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Phương thức mua sắm trực tuyến đã trở thành kênh phân phối hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian qua. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử” Việt Nam năm 2021 (ấn phẩm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã góp phần đáng kể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: “Năm vừa qua, thương mại điện tử đã có những đóng góp hết sức thiết thực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và nông sản các tỉnh, địa phương ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Hội nghị lần này cũng sẽ cơ hội để các doanh nghiệp địa phương có điều kiện tiếp xúc, tăng cường quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương mình, kết nối với các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý ngành về thương mại điện tử vừa là cơ quan tổ chức, định hướng và phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đề nghị, thông qua Hội nghị lần này các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố bên cạnh việc tăng cường quản lý thương mại, hoạt động thương mại điện tử, chủ động xây dựng các chương trình, hoạt động trong năm 2022 và các năm tiếp theo, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương hơn nữa đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trên môi trường trực tuyến thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu”.
Với những thành công với các chương trình lớn như Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông đặc sản địa phương trên thương mại điện tử trong mùa dịch, đại diện các sàn thương mại điện tử Sendo và Voso đã có những chia sẻ thiết thực, những điểm quan trọng cũng như kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh Bình Định, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng nắm được rõ ràng, có kế hoạch, sẵn sàng mở rộng kênh phân phối và kinh doanh hiệu quả trên môi trường số và thương mại điện tử.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp Sở ngành địa phương với các Sàn thương mại điện tử đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng các chương trình đẩy mạnh phân phối trên các sàn thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc, đồng thời tổ chức các Chương trình đào tạo và kết nối thương mại điện tử với các Sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước.