Lào Cai: Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc thiểu số
Là địa phương có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng sinh sống, trong đó có 73% đồng bào sống ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng cao, Lào Cai luôn chú trọng triển khai các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con.
Tăng cường các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm
UBND huyện Mường Khương vừa phối hợp với Sở Công Thương, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tổ chức khai mạc “Phiên chợ văn hoá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai tại huyện Mường Khương năm 2023”.
Quy mô phiên chợ có 24 gian hàng, trong đó có 16 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương của 16 xã, thị trấn và 8 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc tổ chức phiên chợ nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác tác xã nông nghiệp giới thiệu tới người tiêu dùng những mặt hàng nông sản, đặc sản nổi tiếng gắn với các vùng địa lý trong tỉnh.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội tạo cầu nối giữa các nhà sản xuất với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ nông sản, người tiêu dùng trong và ngoài huyện Mường Khương.
Các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai tại huyện Mường Khương tiếp tục góp phần sẽ góp phần thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi sản xuất giá trị trong nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10 – NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, tại huyện Bảo Thắng, Sở Công thương và Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai năm 2023.
Tham gia phiên chợ có 24 gian hàng của các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai và các huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định, huyện Vĩnh Bảo - Thành phố Hải Phòng. Với các sản phẩm nông sản đặc hữu; sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hàng thủ công mỹ nghệ: thổ cẩm, chạm khắc bạc, rèn, đúc, thêu thủ công, ..., sản phẩm ẩm thực địa phương.
Phiên chợ văn hóa đã tạo không gian cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai giới thiệu, trình diễn văn hóa bản địa, đặc sản dân tộc, đặc biệt là ẩm thực, thủ công mỹ nghệ...tới du khách trong và ngoài tỉnh; góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương; nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho đồng bào cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giúp các doanh nghiệp phân phối tìm kiếm sản phẩm hàng hóa để liên doanh, liên kết hợp tác phát triển sản xuất; góp phần hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất.
Đây là hai trong số rất nhiều sự kiện được Sở Công Thương Lào Cai phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá cho bà con vùng dân tộc.Các sự kiện đã góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Coi việc tiêu thụ nông sản cho bà con là nhiệm vụ trọng tâm
Giống như các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và rất nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều những hoạt động để thúc đẩy kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối với Lào Cai, hiện nay có 25 nhóm, ngành dân tộc và cũng có đến 73% đồng bào sống ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng cao. Việc huy động nguồn vốn, nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, như chúng ta đã biết, thực sự là khó khăn. Thứ nhất là khó khăn xuất phát chính từ cơ sở hạ tầng của các khu vực này còn yếu kém. Thứ hai là thị trường tiêu thụ nhỏ bé.
Chính vì vậy mà việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã đến với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhận định chung là cực kỳ khó khăn.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, thời gian qua, địa phương đã xác định những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tập trung phát triển, có 6 nhóm mặt hàng chủ lực mà Lào Cai sẽ tập trung đầu tư, đó là mặt hàng chè, dược liệu, chuối, dứa và lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Sở Công Thương xác định phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp, trên cơ sở đó thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành nên những dự án có quy mô lớn, có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong tình hình hiện nay.
Vấn đề thứ hai mà Lào Cai đẩy mạnh, đó là thực hiện chủ trương chung của Trung ương cũng như của địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 19 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một Nghị quyết rất lớn của Trung ương và Lào Cai đang bám sát Nghị quyết này. Nguồn vốn mà Trung ương cũng như địa phương dành cho phát triển nông nghiệp thì tỉnh Lào Cai cũng đang triển khai rất quyết liệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Vấn đề thứ ba là trong kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa, Lào Cai luôn đặt mình trong vai trò kết nối của cả vùng, của cả nước. Theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội khu vực Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lào Cai được xác định là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc. Vì vậy, hàng năm Lào Cai đã hỗ trợ cho các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La và các tỉnh miền trong như Bình Thuận, Long An,… tiêu thụ trên 1 triệu tấn nông sản, hàng hóa qua cửa khẩu, kết nối với thị trường Trung Quốc.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sát cánh cùng các địa phương trong cả nước, hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới tại Lào Cai hiện rất ổn định và không có tình trạng ách tắc. Đây là sự vào cuộc rất hiệu quả từ các Bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng giúp tiêu thụ nông sản nói riêng và sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung được thuận lợi, an toàn và hiệu quả.