Bắc Kạn: Đưa sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số lên sàn thương mại điện tử
Việc đưa sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số lên sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng giúp mở rộng đầu ra, giúp nâng cao chất lượng đời sống của bà con tỉnh Bắc Kạn.
Chú trọng tạo nguồn nông sản chất lượng
Với 7 dân tộc cùng chung sống, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, giải pháp nhằm xoá đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, địa phương đã chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ đặc biệt sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Bắc Kạn đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…
Để làm được điều này, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất chế biến quy mô lớn.
Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, lao động, tín dụng… mời gọi các nhà đầu tư đến Bắc Kạn để sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao.
Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi... đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, phát triển thu về những kết quả ngoài mong đợi.
Bắc Kạn tổ chức livestream bán nông sản và đưa sản phẩm của Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử
Song song với đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng. Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đưa thương hiệu, sản phẩm thế mạnhcủa địa phương có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Đẩy mạnh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Song song với việc tạo nguồn nông sản chất lượng, Bắc Kạn còn rất nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm này. Đến nay, toàn tỉnh có 182 sản phẩm được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.
Mới đây nhất, HTX Tài Hoan và HTX Nông nghiệp Tân Thành đã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử https://www.alibaba.com một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, để mở rộng cho các sản phẩm địa phương, tỉnh đã hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... qua đó quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến với người tiêu dùng địa phương cũng như trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho những sản phẩm có tiềm năng; hướng dẫn lập hồ sơ công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.
Hiện tại, tỉnh đã xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Đây là kênh quảng bá, mua bán hàng hóa sản phẩm dịch vụ trực tuyến do tỉnh Bắc Kạn xây dựng, phát triển và vận hành với sự đồng hành hỗ trợ của Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam. Đến nay, đã có gần 200 sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Bắc Kạn được đăng tải thông tin, mua bán trực tuyến tại sàn thương mại điện tử Bắc Kạn.
Cùng với đó, Bắc Kạn tổ chức các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại lồng ghép các chương trình chuyển đổi số của các sở, ngành như: Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thương mại điện tử Tiktok… Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử “Kết nối OCOP” hồ sơ sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của Bắc Kạn, lựa chọn để đăng tải trên hệ thống https://ketnoiocop.vn; Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ trên 50 lượt hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet và hỗ trợ trên 120 lượt hợp tác xã tham gia kết nối chương trình tại Cổng Thông tin kết nối cung cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lớn này sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu thương mại số. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.