Quan tâm xây dựng chính sách phát triển chợ miền núi, vùng đồng bào dân tộc
Đối với các địa phương miền núi, hệ thống chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi lưu giữ văn hoá truyền thống địa phương. Do đó, Bộ Công Thương luôn chú trọng xây dựng các chính sách để phát triển chợ khu vực này.
Lưu thông 80% lượng hàng hoá của địa phương
Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương, tình hình phát triển chợ để thúc đẩy sản xuất và giao lưu hàng hoá 2 chiều giữa đồng bào miền núi và miền xuôi đã có sự tiến bộ.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có gần 9.000 chợ, trong đó 70% chợ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi. Chợ nói chung và chợ tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nói riêng đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế địa phương và đời sống người dân vì hiện nay hàng hoá tươi sống lưu thông qua chợ chiếm 80%.
Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được triển khai, trong đó có nội dung rất lớn về đầu tư hạ tầng chợ tại các vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, sẽ có nhiều địa phương sẽ được nhận nguồn ngân sách từ Trung ương cho việc đầu tư hạ tầng chợ. Cộng với nguồn vốn đối ứng từ địa phương, hạ tầng chợ cho khu vực miền núi, nơi sinh sống của đông đảo bà con đồng bào dân tộc thiểu số được kỳ vọng sẽ “thay da đổi thịt” thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, hiện nay, tỷ trọng hàng hoá trong các chợ miền núi tăng lên, việc mua bán hàng hoá sôi động hơn và bà con được lợi trong việc mua bán hàng hoá qua chợ. Hàng hoá dưới xuôi cũng tăng cường nhiều hơn để tăng cường giao lưu, buôn bán, phục vụ cho người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cho bà con thông qua việc kinh doanh buôn bán. Hệ thống chợ đầu mối từ chợ trung tâm đến chợ lẻ đều phát triển. Đặc biệt, chợ không phải là nơi mua bán đơn thuần mà là vấn đề giao lưu hợp tác văn hoá, đầu tư và du lịch.
Đặc biệt, việc phát triển hệ thống phân phối, trong đó có chợ đã giúp hiện đại hoá phương thức kinh doanh, bán hàng của bà con. Trong thời đại công nghệ 4.0, không chỉ người dân đồng bằng mà bà con dân tộc cũng đã biết dùng smartphone để bán hàng hoá. Các sản phẩm đặc sản của khu vực này đã có cơ hội tìm được đầu ra ổn định hơn.
Cần chính sách mạnh hơn cho chợ miền núi
Tuy nhiên hiện nay, chợ khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Nhiều khu chợ xuống cấp. Lượng hàng hoá lưu thông còn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 20% chợ miền núi, vùng dân tộc kiên cố và tương đối tốt, còn lại 80% là chợ loại 3, 4 nên điều kiện để bảo quản hàng hoá và phục vụ khách hàng, chất lượng hàng hoá nguồn hàng vẫn chưa đảm bảo. Chưa kể, chợ khu vực miền núi vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư do lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn.
Ông Hoàng Minh Luân - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam cho rằng hiện nay nguồn vốn đầu tư cho các khu chợ còn nhiều khó khăn. Trong khi ngân sách chỉ dành cho các khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi. Đây là lý do doanh nghiệp còn khó tiếp cận với việc đầu tư xây dựng chợ.
Về các địa phương, điều khó khăn nhất chính là kinh phí địa phương đầu tư và cải thiện chợ còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, sau khi khảo sát chợ thành thị, chợ địa phương, các chợ miền núi, thậm chí là các chợ vùng sâu, vùng xa các hộ tiểu thương và các bà con đang kinh doanh theo lối mòn truyền thống.
Về nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ cho các hộ tiểu thương hoặc là các đơn vị quản lý khai thác chợ hiện nay còn rất khiêm tốn. Chưa kể, do tập quán tiêu dùng, sự đồng thuận của hộ tiểu thương với việc cải thiện chợ theo hướng hiện đại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với mỗi địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng dân tộc thiểu số miền núi, chợ không phải chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu, kết nối xúc tiến thương mại, thậm chí là mang đậm văn hoá của vùng miền. Phát triển chợ miền núi sẽ không chỉ giúp tạo dựng nơi giao thương hàng hóa mà còn giúp lan tỏa văn hóa vùng miền đến người tiêu dùng và khách du lịch. Do đó, cần nhiều giải pháp để phát triển chợ khu vực này.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, phải phân loại các loại chợ. Chợ loại 1,2,3 hoặc nằm ở khu vực đặc thù, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… thì nhà nước hỗ trợ xúc tác, còn các khu vực khác thì doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chính sách khuyến khích đầu tư theo tôi phải lâu dài, nếu chỉ 5 – 7 năm thì doanh nghiệp chưa đủ để thu hồi vốn. Chính sách phải mở rộng hơn về tiền vốn, ngân sách, khấu hao, thuế phí, miễn thuế phí…
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy những chính sách, quỹ tín dụng về chợ rất chi tiết, cụ thể và nhân văn, từ phòng cháy chữa cháy, an ninh chợ, đầu vào, văn minh thương mại rất cụ thể, có những ban bệ chịu trách nhiệm… Đây là những điều ta phải học tập phía bạn để chợ xứng đáng vai trò của nó ở miền núi.
Ví dụ chính sách thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, năng lực của ban quản lý chợ cần nâng lên để có đủ sức điều hành chợ văn minh hiệu quả, an toàn, xây dựng thương hiệu trong thời gian tới.
Đặc biệt, kinh tế hội nhập nên chợ miền núi cần được khuyến khích phát triển cùng với du lịch, văn hoá. Đồng thời, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
“Ngoài quy hoạch được xây dựng bởi Bộ Công Thương, theo tôi, vai trò của chính quyền địa phương trong quy hoạch chợ, quản lý giám sát, hỗ trợ là rất quan trọng để đảm bảo kinh tế, văn hoá an ninh quốc phòng địa phương. Khách du lịch muốn đến chợ để mua hàng và tìm hiểu văn hoá nên phải tạo ra các sản phẩm OCOP là những câu chuyện chứa đựng văn hoá. Từ đó, khuyến khích khách hàng đến với chợ, nâng cao hiệu quả chợ, giữ gìn văn hoá và phát triển kinh tế địa phương” – chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, khách du lịch muốn đến để chợ để mua hàng và tìm hiểu văn hoá nên các địa phương phải tạo ra các sản phẩm OCOP là những câu chuyện chứa đựng văn hoá. Từ đó khuyến khích khách hàng đến với chợ, nâng cao hiệu quả chợ, giữ gìn văn hoá và phát triển kinh tế địa phương.
Tại các địa phương phải có các ban chỉ đạo phát triển chợ, từ quy hoạch, cắm chợ ở đâu. Chợ phải gần dân, hiểu được xu hướng tiêu dùng của dân để đầu tư xây dựng. Ta đã có nguồn hàng dồi dào, rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP chất lượng nhưng đầu ra lại khá bấp bênh. Chợ phải giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề logistics, giao nhận hàng hoá để rút ngắn thời gian giao hàng, áp dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá.
Đặc biệt, ở khu vực miền núi, thu nhập của bà con còn thấp nên cần quan tâm đến việc cải thiện đời sống của bà con để cải thiện sức mua. Đồng thời, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề phòng chống hàng nhái hàng giả để bà con được sử dụng hàng chính hãng, có chất lượng; và doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể tiêu thụ được hàng hoá ở khu vực này – là khu vực bà con thực sự có nhu cầu về hàng chính hãng.