Cơ hội để trái cây Việt tiến sâu vào thị trường Trung Quốc
Lễ hội trái cây Việt Nam (từ ngày 29-30/9) tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, Bắc Kinh đã được tổ chức trong bầu không khí sôi động chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc. Đây là sự kiện quan trọng, quy tụ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhằm giới thiệu các loại trái cây nhiệt đới đặc sắc đến thị trường Trung Quốc.
Động lực doanh nghiệp Việt Nam cải tiến sản phẩm, cung ứng trái cây mẫu mã đẹp, chất lượng nổi trội
Trong những năm vừa qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của các cơ quan của phía Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương Việt Nam trong công tác quy hoạch vùng trồng, minh bạch hóa quá trình công tác, quản lý nghiêm việc cấp và quản lý mã số vùng trồng và cấp phép đủ điều kiện xuất nhập khẩu... Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước tính khoảng 4,5 tỷ USD.
Việt Nam cũng là quốc gia nhiệt đới, lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ, đây là điều kiện lý tưởng trồng nhiều loại trái cây mang hương vị đặc trưng, trong đó phải kể đến như: Thanh long (sản lượng hàng năm đạt 1,3 triệu tấn), xoài (1,1 triệu tấn), sầu riêng (1,2 triệu tấn), chuối (2,5 triệu tấn), bưởi (1,1 triệu tấn)… Đây là những sản phẩm đã được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam đã có 2350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc. Trái cây Việt Nam không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, mang đậm nét văn hóa của người Việt.
Chia sẻ tại Lễ hội, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) - cho biết, đây là lần đầu tiên một lễ hội trái cây tầm cỡ quy mô quốc gia Việt Nam được tổ chức ở một thị trường tiêu thụ trái cây vào hàng bậc nhất thế giới, với sự chung tay cộng tác của liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng hành cùng Hiệp hội Rau quả Việt Nam và gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam.
Với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon”, Ban tổ chức kỳ vọng sự kiện này sẽ giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ tới giới kinh doanh và người tiêu dùng khu vực phía Bắc Trung Quốc, nơi nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng ít điều kiện tiếp cận trái cây Việt Nam, về 12 loại trái cây đặc trưng miền nhiệt đới, đặc sắc về hương vị, đẳng cấp về chất lượng, phong phú về chủng loại và bổ dưỡng về giá trị sử dụng của Việt Nam đã được mở cửa vào thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết thêm, lâu nay, trái cây Việt Nam đưa sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam, chủ yếu qua đường biên mậu khiến giá trị xuất khẩu trồi sụt bấp bênh và nhiều rủi ro thương mại. Những năm gần đây, việc tập trung chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đã tác động tới sự thay đổi trong tư duy và thực hành kinh doanh trái cây của nhiều doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp cần tập trung đổi mới và đảm bảo yêu cầu chất lượng cao của thị trường nhập khẩu để tồn tại và phát triển.
“Lễ hội lần này chính là một trong những yếu tố tạo động lực rõ rệt để các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến phương thức kinh doanh, cải tiến sản phẩm, cung ứng cho thị trường các loại trái cây có mẫu mã đẹp, chất lượng nổi trội để thu được giá trị xuất khẩu tương xứng, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ nguồn cung trái cây thế giới.” - Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh
Sẽ thực hiện đa dạng các lễ hội sản phẩm chuyên đề, chuyên ngành tại thị trường Trung Quốc
Cũng theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, tiếp nối thành công của Lễ hội lần này, Bộ Công Thương đã có những định hướng nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông sản nói chung, trái cây nói riêng mở rộng hơn nữa thị trường Trung Quốc và quốc tế.
Theo ông Phú, lễ hội này cho thấy tầm quan trọng lớn của công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu và hình ảnh các sản phẩm nông sản nói chung, trái cây nói riêng trực tiếp tại các thị trường nước ngoài mục tiêu. Việc tổ chức lễ hội quy mô, bài bản, có tính chuyên nghiệp cao sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc thu hút sự quan tâm và trải nghiệm thực tế của khách hàng tiềm năng và người tiêu dùng nước ngoài.
“Bộ Công Thương sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng liên quan thực hiện đa dạng các lễ hội sản phẩm chuyên đề, chuyên ngành tại thị trường Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, riêng với mặt hàng trái cây và các sản phẩm chế biến từ trái cây sẽ được luân phiên tổ chức Lễ hội ở các tỉnh, thành phố khác nhau của Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Bắc và các khu vực phía sâu nội địa nước này, nơi còn chưa biết nhiều đến hoặc ít tiêu thụ trái cây Việt Nam.” - Cục trưởng Vũ Bá Phú chia sẻ.
Theo đại diện Trung tâm Tân Phát Địa, Bắc Kinh hiện là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của khu vực, với dân số lên tới hơn 30 triệu người. Nhu cầu về nông sản chất lượng cao ở thủ đô là rất lớn, nhưng tỷ lệ tự cung cấp nông sản của thành phố lại rất thấp, đa phần phải nhập khẩu từ các tỉnh khác và các quốc gia láng giềng. Trung tâm Tân Phát Địa đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đến 90% lượng rau quả cho thành phố, với tổng khối lượng giao dịch nông sản lên tới 15,16 triệu tấn vào năm 2023, tương đương giá trị 126,7 tỷ NDT.
Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa ngành nông nghiệp, Trung tâm Tân Phát Địa đã và đang mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines và Malaysia. Trong số đó, Việt Nam được xem là một trong những đối tác quan trọng với diện tích trồng trọt các loại trái cây nhiệt đới lên đến hằng trăm nghìn ha. Các loại nông sản chủ lực bao gồm thanh long, chuối, xoài, dưa hấu và khoai lang tím. Trong tương lai, Tân Phát Địa còn có kế hoạch mở rộng hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển các loại trái cây khác như sầu riêng, mít, nhãn, chanh leo và măng cụt, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng Trung Quốc.
Lễ hội trái cây Việt Nam không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc sắc mà còn là dịp để các doanh nghiệp nông nghiệp của hai quốc gia giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Đại diện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại Bắc Kinh để giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao, nhằm mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Đại diện Trung tâm Tân Phát Địa bày tỏ hy vọng rằng Lễ hội trái cây Việt Nam sẽ không chỉ là một sự kiện quảng bá thương mại đơn thuần mà còn là bước đệm quan trọng để mở rộng hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hai nước.
"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong xuất khẩu trái cây và nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc" - đại diện Trung tâm Tân Phát Địa chia sẻ và bày tỏ mong muốn tiếp tục chứng kiến nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có mặt trong bữa ăn hàng ngày của người dân Trung Quốc. Ông hy vọng rằng sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông sản Việt Nam trong tương lai gần.