A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc tiến thương mại chuyên sâu để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ góp phần thúc đẩy sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa. Không chỉ các thị trường xuất khẩu mà ngay tại Việt Nam, người tiêu dùng Việt cũng có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng và đảm bảo các tiêu chuẩn cao theo cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế, cơ hội mà các FTA mang lại cho hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường nội địa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như: nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà FTA mang lại, qua đó thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng, mẫu mã, sản phẩm, để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng ngay trên sân nhà.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ EVFTA sẽ tạo một cú hích lớn về mặt tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, ngay tại thị trường nội địa, nhờ những cam kết này, các nhà sản xuất cũng sẽ tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tạo chỗ đứng, vị thế của mình ngay trên thị trường nội địa để đảm bảo sức cạnh tranh đối với hàng hóa ngoại nhập.

EVFTA- Bài 2: Xúc tiến thương mại chuyên sâu để tận dụng cơ hội

Hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

Đáng lưu ý, mặc dù việc mở cửa thị trường trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia đang tăng mạnh, nhưng hàng Việt vẫn khẳng định được chỗ đứng và đang được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ.  Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên.  Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao như hệ thống của Central Retail là 90% và hệ thống của AEON Việt Nam là 80%.

Để đạt được những con số đáng ghi nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc cải tiến và phát triển sản phẩm của mình như nâng cao chất lượng nhưng vẫn duy trì giá thành hợp lý để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến vùng nguyên liệu sản xuất để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, đồng thời cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao giá trị thương hiệu cũng như đưa ra các chiến dịch marketing thu hút người tiêu dùng trong nước.

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.


Tác giả: An Bình

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website