A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu

Ngày 28/9/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu”.

Tham dự hội nghị có các đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực tại nhiều quốc gia.

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. “Quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu”- ông Thướng thông tin.

Hay tại Hoa Kỳ, quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này. Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang nước này đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của Hoa Kỳ.

“Nhờ chất lượng tốt và số lượng ổn định, mặt hàng này được nhiều thị trường ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ nơi có dân số đông, đa dạng về sắc dân và nhu cầu tiêu dùng hướng đến các mặt hàng đặc sản, có giá trị sức khoẻ. Quế hồi không chỉ là gia vị được ưa chuộng, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào trà, cà phê và các đồ uống khác”- ông Hưng nhấn mạnh và cho biết thêm, trong bối cảnh hậu đại dịch, mối quan tâm gần như hàng đầu của người tiêu dùng là những sản phẩm tăng sức đề kháng và dễ dàng chế biến, sử dụng tại nhà. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế là đang ngày càng tăng mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi của Việt Nam.

Một thị trường nhập khẩu quế, hồi tiềm năng khác là Pakistan, theo thông tin của bà Nguyễn Thị Điệp Hà – Phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan có nhu cầu cao với quế hồi, dược liệu. Năm 2022 Pakistan  nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.

Đầu tư sản xuất, chế biến sâu và có chiến lược quảng bá phù hợp

Có thể thấy, giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục quản lý y dược (Bộ Y tế) – cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm. Tuy nhiên đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị: Các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác Cùng đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.

Yên Bái là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, kim ngạch xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50-60 triệu USD. Mong muốn thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà nhập khẩu trên thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Cũng như Yên Bái, Lai Châu là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50-60 tấn/năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có các loại dược liệu khác như thảo quả, sa nhân rất tiềm năng. Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi, dược liệu ra thị trường quốc tế.

Với những khó khăn hiện tại, tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm quế, hồi và dược liệu khác đến các thị trường các nước; giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu đến Lai Châu tìm kiếm hợp tác. Các cơ quan thương vụ thường xuyên thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn từ các thị trường để Lai Châu phổ biến đến các doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Quốc) - những thị trường tiềm năng và có nhu cầu đáng kể về các sản phẩm quế, hồi, cây dược liệu thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn phát triển thị trường, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường; đầu tư sản xuất, chế biến sâu.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, để có thể mở rộng thị phần quế, hồi Việt Nam tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần có chứng nhận FDA. Về sản xuất, doanh nghiệp, địa phương trong nước cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng chế biến sản phẩm tinh. “Bên cạnh đóquảng bá sản phẩm quế, hồi của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông; tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Hoa Kỳ và các nước trên thế giới...”- ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Tương tự tại thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cũng cho biết, Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu làm gia vị nên ưa chuộng loại quế vỏ mỏng tinh dầu thấp. Quế nhập khẩu vào Pakistan cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với quế, hoa hồi Việt Nam chiếm 1% thị phần và thảo quả chiếm 5,8% thị phần tại Pakistan. Quốc gia này nhập khẩu hoa hồi và thảo quả cũng chủ yếu làm gia vị do đó ưa chuộng loại giá rẻ, ít tinh dầu và cần có các chứng nhận tương như với quế và sản phẩm từ quế.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cũng lưu ý các cơ quan trong nước khuyến khích phát triển vùng trồng với các loại cây này để giữ ổn định sản lượng cung ứng; thành lập các hội và chi hội ngành hàng tại các địa phương để tránh bị ép giá.

Thời gian tới, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, ông Vũ Bá Phú đã nêu 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ, đó là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các địa phương; giữ kết nối chặt chẽ với Bộ Y tế, tạo mối liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các Thương vụ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các quy định, yêu cầu để quế, hồi, cây dược liệu tiếp cận, phát triển thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường thế giới”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website