Bình Định: 6 giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030
Nhằm khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn tới, đồng thời triển khai đồng bộ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Bình Định đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch quản lý chất thải rắn để bảo vệ môi trường
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR), triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quản lý CTR, chú trọng phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái chế, tái sử dụng; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTR. Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển ngành công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn chất thải. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý CTR. Hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu 90% CTR sinh hoạt đô thị và 80% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% CTR sinh hoạt đô thị và 50% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom. Đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Đến ngày 01/01/2025, triển khai đồng bộ phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Đồng thời, 100% bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tự phát, không hợp vệ sinh phải được xử lý đảm bảo yêu cầu môi trường. Không để phát sinh mới các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh. 100% tổng lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề và 50% CTNH từ hộ gia đình phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường;
Bên cạnh đó, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy. Giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng 01 lần trong học sinh, sinh viên, và các quán ăn uống phục vụ tại chỗ.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Định đạt 100% CTNH phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề và 90% CTNH phát sinh từ hộ gia đình phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Duy trì 100% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, 95% CTR sinh hoạt đô thị và 90% CTR sinh hoạt nông thôn thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 10% CTR sinh hoạt đô thị và 30% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bình Định đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là (1) Hoàn thiện quy hoạch quản lý CTR và hệ thống quy định, chính sách về quản lý CTR; (2) Tăng cường năng lực về quản lý chất thải; (3) Cải thiện hoạt động thu gom CTR Đối với CTR sinh hoạt và Đối với CTR công nghiệp thông thường và CTNH; (4) Đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng xử lý CTR; (5) Phân loại CTR tại nguồn; (6) Tập trung tuyên truyền, vận động.
UBND tỉnh Bình Định giao các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, thị xã trên địa bàn triển khai, thực hiện Kế hoạch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu chủ trì thực hiện Đề án phát triển công nghiệp môi trường, các nhiệm vụ phát triển công nghiệp môi trường và kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu xây dựng, phát động phong trào chống chất thải rắn, chất thải nhựa trong ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ký cam kết hành động chống rác thải nhựa. Cùng với đó, Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ưu tiên hỗ trợ các cơ sở đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn các chợ, trung tâm thương mại trong việc sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon nhựa khó phân hủy, giảm sử dụng đồ nhựa dùng 01 lần.
Tại kế hoạch này, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các sở ngành, cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức triển khai, theo dõi kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các sở ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và người dân trong công tác quản lý CTR. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh theo pháp luật.