A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương góp ý dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Bộ Công Thương mới đây có văn bản với nhiều ý kiến chi tiết, cụ thể nhằm góp ý dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).

Thống nhất các quy định, hành vi, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt

Đối với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến góp ý, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng nhiều dự thảo Nghị định có liên quan như dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về XPVPHC trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thống nhất các quy định, hành vi, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt… để thống nhất hành vi, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các Nghị định.

Góp ý cụ thể đối với dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, gộp các điểm a, b, c khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị định thành một đối tượng chung là “tổ chức kinh tế” theo Luật Đầu tư năm 2020 để bao quát được tổng thể các đối tượng điều chỉnh là “tổ chức”, tránh trường hợp liệt kê không đầy đủ, đồng thời bảo đảm được sự thống nhất với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

Bộ Công Thương cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý điểm d khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị định theo hướng mọi hành vi vi phạm hành chính đều bị xử lý theo quy định của pháp luật để đảm sự bình đẳng của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Điểm đ khoản 3 Điều 28 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành vi “không khai báo hoặc khai không đúng khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc trong nội dung đăng ký môi trường hoặc trong báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định”. Việc khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường chỉ mang tính chất định tính và dự báo do giấy phép môi trường được cấp trước khi dự án đi vào vận hành chính thức. Vì vậy, việc phát sinh khối lượng, loại chất thải nguy hại thực tế sản xuất không đúng với loại, khối lượng trong hồ sơ cấp giấy phép môi trường là điều được pháp luật cho phép và chủ nguồn thải phải báo cáo về việc thay đổi này. Do vậy, theo Bộ Công Thương, nên xem xét bỏ quy định đối với hành vi này.

Bộ cũng đề nghị bỏ cụm từ “kịp thời”, “hiệu quả” tại các nội dung trong Điều 38 do không định lượng và không phù hợp với hoạt động ứng phó sự cố, đặc biệt là các sự cố có thể phát triển theo hướng bất ngờ.

(Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Bộ Công Thương góp ý về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường công thương

Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành Công Thương thực hiện các quy định bảo vệ môi trường nhưng chưa được cập nhật vào dự thảo Nghị định như:

Trách nhiệm đăng ký tài khoản khai báo cơ sở dữ liệu môi trường; Định kỳ thực hiện khai báo cơ sở dữ liệu đầy đủ nội dung, đúng thời gian quy định; Tính chính xác, trung thực đối với các dữ liệu khai báo; Bảo mật thông tin tài khoản đã được cấp (trách nhiệm này được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 8 Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương).

Trách nhiệm “tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần; Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Xây dựng lộ trình phù hợp để thay thế, loại bỏ chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính”(trách nhiệm được quy định tại Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Điều 91, 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Trách nhiệm thực hiện phát triển công nghiệp môi trường đang được quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành Công Thương thực hiện các quy định bảo vệ môi trường vào dự thảo Nghị định.

Bên cạnh đó, đối với Thẩm quyền thanh tra và xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường công thương, căn cứ Điều 1 và khoản 12 Điều 2 Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương quy định: Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp môi trường; thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ, phát triển ngành công nghiệp môi trường); Căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị định số 54/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương, Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý); Căn cứ điểm a khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (quy định Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền,…  Như vậy, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Phát huy cao nhất hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường

Kiến nghị bổ sung hành vi và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường công thương, Bộ Công Thương cho rằng, để phát huy cao nhất hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường ngày càng có xu hướng tăng cao, đồng thời thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, thầm quyền đã được pháp luật giao, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định sau:

Bổ sung khoản 1a Điều 41: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không khai báo đầy đủ cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương

Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 41: Không khai báo đầy đủ cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương (trường hợp tái phạm hành vi đã bị xử lý cảnh cáo); Không đăng ký tài khoản khai báo cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương với cơ quan có thẩm quyền; Không bảo mật thông tin tài khoản đã được cấp).

Bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 41: Không khai báo cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Khai báo không chính xác, trung thực đối với các dữ liệu.

Bổ sung điểm c khoản 7 Điều 41: Buộc khai báo đầy đủ, chính xác cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương đã được quy định tại điểm 1a khoản 1, điểm d khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều này.

Bổ sung Điều 62a: Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường công thương:

1. Thanh tra viên chuyên ngành, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành công thương đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100.000.000 đồng;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và g khoản 3 Điều 4  của Nghị định này.

3. Chánh thanh tra Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và g khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Bổ sung khoản 7a Điều 65. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường công thương

a) Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1a Điều 41; khoản 1 Điều 44; Khoản 1 Điều 45 Nghị định này;

b) Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1a Điều 41; Điểm d khoản 1 Điều 41; Điểm đ khoản 2 Điều 41; Khoản 1, 2 Điều 44; Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 45 của Nghị định này;

c) Chánh thanh tra Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại định tại khoản 1a Điều 41; Điểm d khoản 1 Điều 41; điểm đ khoản 2 Điều 41; Điều 44; Điều 45 của Nghị định này.

Sửa đổi khoản 3 Điều 63 và điểm c khoản 9 Điều 65: “Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền…”.


Tác giả: Hồng Hạnh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website