Bộ Công Thương hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2021
Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là Ecosystem Restoration (tạm dịch: Phục hồi Hệ sinh thái). Pakistan sẽ đóng vai trò là nước chủ nhà toàn cầu hưởng ứng các hoạt động năm 2021.
Ngày Môi trường Thế giới là một sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia. Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, ngành trong nhiều năm qua luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường.
Tương tự sự kiện năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới không được triển khai rộng rãi, nhưng công tác truyền thông vẫn được thực hiện xuyên suốt và trên diện rộng, thông qua các phương tiện đại chúng.
Ngày Môi trường Thế giới năm 2021 sẽ chứng kiến sự khởi động của Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi Hệ sinh thái.
Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Nó nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Thập kỷ LHQ kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây cũng là thời hạn cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.
Do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2021, Bộ Công Thương yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tế để sáng tạo, đổi mới hình thức truyền thông và cách thức thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa lan tỏa mạnh mẽ đến nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương chung tay phục hồi hệ sinh thái.
Một số hoạt động ngành Công Thương hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2021 cụ thể như:
Một là, tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm (khuyến khích theo hình thức trực tuyến) về các nội dung như: Phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…; Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.
Hai là, tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong việc: (i) không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; (ii) không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iii) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương.
Bốn là, phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình tăng cường thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021; Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm là, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn, giúp các hệ sinh thái lành mạnh hơn, đa dạng sinh học hơn, mang lại nhiều lợi ích cho con người hơn nữa. Việc phục hồi có thể thông qua việc tích cực trồng cây hoặc bằng cách loại bỏ các áp lực để thiên nhiên có thể tự phục hồi. Theo tính toán, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13-26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển. Tất cả các loại hệ sinh thái có thể được phục hồi, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, thành phố, đất ngập nước và đại dương. Phục hồi các hệ sinh thái lớn cũng nhằm bảo vệ, cải thiện sinh kế của những người sống phụ thuộc vào chúng. Nó cũng giúp hạn chế bệnh tật và giảm rủi ro thiên tai. Trên thực tế, việc khôi phục có thể giúp chúng ta đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững. |