A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực Châu Á

Ngày 2/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Đổi mới sáng tạo SITRA (Chính phủ Phần Lan) tổ chức Hội thảo trực tuyến Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực châu Á.

Đây là sự kiện cấp khu vực châu Á của Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Thế giới nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, phát động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Hội thảo nhằm mục tiêu thúc đẩy tiềm năng của một nền kinh tế tuần hoàn hỗ trợ khôi phục COVID-19; thảo luận về các rào cản trong việc tích hợp kinh tế tuần hoàn vào các khuôn khổ phát triển bền vững; xây dựng năng lực của các quốc gia trong hoạch định chính sách hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững; cũng như xem xét các phương pháp, nghiên cứu điển hình hay nhất trong chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

550

Hội thảo trực tuyến Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực châu Á

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà, thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó quy định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường.

Để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn một cách hệ thống, toàn diện thì đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Theo ông Trần Hồng Hà, Việt Nam hiện nay, có được sự đồng thuận từ chủ trương của Đảng, trong đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, giai đoạn đến năm 2025: Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, nội dung này đã được hiện thực hoá thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020. "Luật đã chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải” (Điều 142)". Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các Điều, Khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường…

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy định về “tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó, vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường gắn với lộ trình triển khai, thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

"Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 sẽ thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn; là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; cũng như tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cụ thể, để chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam tập trung vào thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô, á kim, phi kim, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, đồng thời loại bỏ chất thải và chất ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm từ thiết kế, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, phân loại, xử lý chất thải và khai thác lại chất thải. Thiết kế được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá quyết định 80% chất thải tạo ra trong nền kinh tế, nên Việt Nam cho rằng đây là khâu đột phá quyết định

Việt Nam sẽ giữ cho các sản phẩm và vật liệu được lưu dùng tối đa trong nền kinh tế thông qua chiến lược 9R (Từ chối, tiết giảm, tái phân phối/tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích, tái chế, thu hồi năng lượng và tái khai thác rác thải).

Việt Nam sẽ thúc đẩy tái tạo và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên. “Khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu khai thác nguyên liệu thô, nhiên liệu hóa thạch, rừng nguyên sinh, nguồn nước tự nhiên và giảm thiểu rác thải, phát thải khí nhà kinh, giảm thiểu chôn rác và đốt rác không thu hồi năng lượng, mà còn đặt mục tiêu tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên đất, nước, rừng, biển và đa dạng sinh học, bảo vệ sinh vật sống trên cạn, dưới nước.

Tại Hội thảo trực tuyến Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi diễn ra ngày 02/6/2021, Bà Elina Kalkku, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan và Thống đốc (đại diện Phần Lan) tại Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, các quốc gia cần thúc đẩy hơn nữa việc thay đổi các mô hình phát triển. Bà Elina Kalkku cho biết, sẽ kêu gọi EU thúc đẩy và đưa ra các thỏa thuận xanh để thay đổi các phương thức tăng trưởng kinh hỗ trợ các nước “xanh hóa nền kinh tế” hơn nữa, tuần hoàn kinh tế hơn nữa…

Trao đổi về vấn đề tài chính, ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tốt hơn, đồng thời đưa ra các khung pháp lý phù hợp, giảm thiểu rủi ro để huy động nguồn vốn từ khối tư nhân, từ đó, xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi về nguyên tắc và khuyến nghị liên quan, tập trung vào phục hồi xanh và tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về các khuôn khổ pháp lý và quy định, chính sách khu vực và quốc gia, cơ hội cho khu vực tư nhân và sự đổi mới ở các thành phố để có thể giúp mở ra tiềm năng của cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn.

Mặc dù Việt Nam chưa có khung chương trình quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (KTTH), nội dung về KTTH đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua. Đối với ngành Công Thương, đến nay, các sáng kiến và mô hình về kinh tế tuần hoàn trong cũng đã tạo ra kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về SXSH nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website