Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Nhiều ý kiến cho rằng, đốt rác phát điện là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, việc đốt rác phát điện còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, do còn vướng quy định về đầu tư xây dựng, thuế đất, chính sách ưu đãi nên nhiều dự án điện rác chưa thể triển khai.
Từ năm 2017, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn vừa xử lý rác vừa bổ sung nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện chủ trương này, tỉnh đã quy hoạch các khu xử lý chất thải quy mô lớn, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư thủ tục và các chính sách ưu đãi liên quan. Các dự án điện rác ngay khi có quy hoạch là có nhà đầu tư đăng ký.
Đồng Nai hiện có 2 dự án điện rác, trong đó, 1 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án Bộ Công thương đang thẩm định. Nếu cả 2 dự án này đi vào hoạt động, tỉnh không phải đầu tư thêm các khu xử lý mà vẫn đảm bảo đầu ra đủ tiêu chuẩn cho chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường.
Ngoài ra, các dự án điện rác còn giúp giảm gánh nặng ngân sách cho xử lý rác và giải quyết bài toán về đất chôn lấp.
Trao đổi tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án điện rác. Hiện có 2 dự án đang triển khai.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) từ năm 2018 theo đề xuất của tỉnh.
Ngay sau đó, dự án có doanh nghiệp đề xuất triển khai với quy mô xây dựng trên diện tích 12ha tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân, thời gian hoạt động 30 năm. Dự kiến giai đoạn 1 với công suất 800 tấn rác/ngày sẽ đi vào hoạt đồng năm 2024. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục đất đai, quy định thời hạn miễn tiền thuế sử dụng đất, dự án đã bị chững lại.
Dự án Nhà máy điện rác tại xã Quang Trung đã được UBND tỉnh thống nhất và có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt và đồng thời bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Hiện tại, chủ đầu tư đã quy hoạch diện tích đất hơn 3ha. Đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 module với công suất xử lý khoảng 150 tấn chất thải/ngày, công suất điện dự kiến 3,4MW/1module, nhưng dự án chưa được phê duyệt chính thức.
Lò đốt chất thải nguy hại không thu hồi năng lượng tại Nhà máy xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: Baodongnai
Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi - Chủ đầu tư dự án cho biết, thuận lợi của Dự án này là quỹ đất xây dựng nhà máy đang thuộc quyền sở hữu của Công ty, khu xử lý có sẵn nguồn rác nguyên liệu, tính toán phương án đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện quốc gia. Sau khi được phê duyệt, Công ty sẽ triển khai xây dựng nhà máy ngay.
Nhiều ý kiến cho rằng, đốt rác phát điện là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, việc đốt rác phát điện còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, do còn vướng quy định về đầu tư xây dựng, thuế đất, chính sách ưu đãi nên nhiều dự án điện rác chưa thể triển khai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, cuối tháng 3-2021, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Ban TVTU chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động khoảng quý II-2024, công suất 800 tấn/ngày, sau đó nâng lên 1,2 ngàn tấn/ngày.
Ông Lê Văn Thư, Phó giám đốc Sở Tài chính cho rằng, nếu dự án đi vào hoạt động, tỉnh không phải đầu tư thêm các khu xử lý chất thải sinh hoạt, không phải “gánh” chi phí xử lý rác. Theo ông Thư, hiện nay giá xử lý rác thải sinh hoạt là 496 ngàn đồng/tấn, nhưng nếu đốt rác phát điện, giá xử lý rác chỉ còn khoảng 473 ngàn đồng/tấn, thấp hơn 23 ngàn đồng/tấn. Lý do là các dự án điện rác được bán lại toàn bộ sản lượng cho ngành Điện với mức giá hơn 2 ngàn/kWh.
Thông tư 32/2015/TT-BCT ngày 8/10/2015 của Bộ Công Thương quy định, các dự án đốt rác phát điện được bán lại toàn bộ sản lượng điện cho ngành Điện. Cụ thể, đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp, giá bán là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh); đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 UScents/kWh). Giá mua bán điện rác được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Cũng theo quy định tại Thông tư của Bộ Công Thương, hoạt động đầu tư phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường hiện hành.