Quản lý, phát triển cụm công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường
Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngày 02/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) nhằm đánh giá vai trò CCN, chính sách quản lý và phát triển đối với các CCN hiện nay, từ đó đề xuất, thống nhất các giải pháp để tiếp tục quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả các CCN trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, phát triển CCN là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển CCN có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khu vực nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Hoàn thiện công trình xử lý môi trường trong CCN
Theo Báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), đến hết năm 2020, cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập, trong đó có 450 CCN do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%), các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban Quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư. Các CCN do DN làm chủ đầu tư nhiều ở các vùng Đông Nam Bộ (chiếm 78,5% so với các CCN đã thành lập trong Vùng), Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 71,7%), Đồng bằng sông Hồng (chiếm 49,5%), Trung du miền núi Bắc Bộ (48,5%) và thấp ở vùng Duyên hải miền Trung (chiếm 25,8%), Tây Nguyên (17,1%).
Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các DN/nhà đầu tư tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao (như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Dương,…). Thông qua hoạt động sản xuất của các DN trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề xử lý môi trường CCN, hiện nay có 141/730 CCN (khoảng 20%) đi vào hoạt động, đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung, đa phần là các CCN thành lập sau Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực; các CCN còn lại, chủ yếu hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện đang rất cần chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng này.
Mặc dù Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý CCN trên địa bàn cấp tỉnh; tuy nhiên, để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, các DN phải liên hệ, thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau (như: chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; phê duyệt QHCT xây dựng tại Sở Xây dựng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục giao đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường; …). Tình trạng này chưa tạo điều kiện thuận lợi, gây tốn kém thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp. Vai trò cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CCN trên địa bàn cấp tỉnh của Sở Công Thương còn mờ nhạt, chưa phát huy hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ các CCN gây ô nhiễm môi trường
Thực hiện trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN từ khâu lập Phương án phát triển CCN tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các CCN; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển CCN tại các địa phương; chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải tại các CCN; xử lý dứt điểm đối với CCN hoạt động nhưng không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (đặc biệt là các CCN hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg).
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc phát triển CCN theo đúng quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, Thông tư số 28/2020/TT-BCT và pháp luật liên quan (về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường); thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN hiện có, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật BVMT, đất đai, xây dựng,... để tập trung đầu tư hoàn thành hạ tầng, thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả; đồng thời xử lý dứt điểm (kể cả rút khỏi quy hoạch, thu hồi đất, chuyển đổi chủ đầu tư) những CCN kém hiệu quả, vi phạm pháp luật, không còn phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Bộ Công Thương cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ các CCN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; chỉ đạo hoàn thành đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung các CCN đã đi vào hoạt động trước ngày 01/01/2024 theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.