A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động ứng phó với Quy định của EU, ngành gỗ có nhiều cơ hội khai thác thị trường tiềm năng

Sản phẩm gỗ là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) chịu sự kiểm soát về Quy định chống phá rừng (EUDR). Quy định này ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa sản phẩm gỗ tới EU, một thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi. Ngành lâm nghiệp của Việt Nam đã chủ động có sự chuẩn bị, sẵn sàng với quy định EUDR.

EU chuyển dịch mạnh mẽ về một nền kinh tế xanh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam ước đạt trên 1,45 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu lâm sản thu về 10,97 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao như kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%.

Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt được kết quả khá cao, nhưng để đạt được mục tiêu xuất khẩu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, bên cạnh những khó khăn trong việc sản xuất, các thị trường xuất khẩu chính thực hiện chặt những quy định về giải trình hợp pháp, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn gặp thêm những khó khăn, thách thức.

EUDR cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Việt Nam, ba nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê

Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang đặt ra nhiều quy định, tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng hóa. Cụ thể, ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành Quy định về chống mất rừng (EU Deforestation Regulation - EUDR), áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. 3 trong số 7 nhóm hàng này, bao gồm gỗ, cao su và cà phê, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Quy định được áp dụng vào tháng 1/2025, nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được rằng quá trình sản xuất không gây ra mất rừng hoặc suy thoái rừng trong suốt chuỗi cung ứng. Trong EVFTA, Chương 13 (Thương mại và Phát triển bền vững) bao gồm các cam kết về quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp và không gây mất rừng. Do vậy, việc chuẩn bị và thực thi EUDR khẳng định cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực thi EVFTA.

Đến nay, EU vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình thực hiện EUDR. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, gỗ dán, viên nén, các sản phẩm gỗ như dao, thìa, dĩa sang EU đang đối mặt với nhiều vướng mắc. Các nhà nhập khẩu tại EU liên tục yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cam kết tuân thủ EUDR và cung cấp thêm thông tin. Xu hướng này đang dần lan rộng ra các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thế giới về một nền kinh tế xanh, ít phát thải carbon và bền vững.

Ngành gỗ đối mặt với thách thức lớn từ EUDR

Ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Với chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, bên cạnh cao su và cà phê, ngành hàng gỗ nhìn chung ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng do diện tích sản xuất ba mặt hàng đã ổn định từ trước 2020. Tuy nhiên, việc chứng minh một cách đầy đủ tính bền vững của các sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu hụt dữ liệu và bằng chứng pháp lý.

Ngăn chặn tình trạng phá rừng là một trong hai trụ cột của EUDR. Theo đó, tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải được sản xuất trên những khu đất không bị phá rừng hoặc trong trường hợp sản phẩm gỗ, được khai thác được khai thác không gây suy thoái rừng kể từ ngày 31/12/2020. Để đảm bảo tuân thủ quy định này, yêu cầu bắt buộc là phải truy xuất được thông tin về vị trí địa lý chính xác của từng lô hàng. Cụ thể, để xác minh một sản phẩm có được sản xuất trên một khu đất đã bị phá rừng hay không, cần phải xác định được tọa độ địa lý cụ thể của thửa đất đó.

Ngăn chặn tình trạng phá rừng là một trong hai trụ cột của EUDR

EUDR yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới tận vị trí địa lý của mảnh đất nơi sản xuất ra sản phẩm. Cụ thể, Điều 2 của EUDR định nghĩa “vị trí địa lý” (geolocation) như sau: “Vị trí địa lý của một thửa đất được mô tả bằng kinh độ và vĩ độ tương ứng với ít nhất một điểm có kinh độ và vĩ độ sử dụng ít nhất 6 chữ số thập phân. Đối với các thửa sản xuất sản phẩm ngoài gia súc có diện tích trên 4 ha, tọa độ địa lý của các điểm thuộc đường đa giác (polygon) mô tả ranh giới thực tế của thửa đất đó cần được cung cấp”.

Theo quy định tại Điều 9 khoản d của EUDR, các doanh nghiệp có nghĩa vụ thu thập và lưu giữ trong vòng 5 năm tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm. Mục đích là để chứng minh rằng sản phẩm đó được sản xuất hợp pháp và không góp phần vào việc phá rừng. Cụ thể, vị trí địa lý của tất cả các thửa đất nơi sản phẩm được sản xuất và ngày tháng hoặc khoảng thời gian sản xuất phải được khai báo đầy đủ. Trường hợp sản phẩm được sản xuất tại nhiều thửa đất, vị trí địa lý của từng thửa đất phải được khai báo cụ thể. Nếu quá trình sản xuất sản phẩm tại bất kỳ thửa đất nào gây ra mất rừng kể từ ngày 31/12/2020, mọi sản phẩm từ thửa đất đó sẽ không được lưu hành tại thị trường EU.

EU sẽ lưu trữ dữ liệu về vị trí địa lý của thửa đất canh tác mà doanh nghiệp khai báo vào hệ thống thông tin quản lý các cam kết về trách nhiệm thẩm định chuỗi cung ứng. Hệ thống này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Để xác định chính xác vị trí của thửa đất canh tác, EU khuyến khích các bên sử dụng dữ liệu và dịch vụ không gian được cung cấp bởi Chương trình vũ trụ của EU. Tóm lại, để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của EUDR, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp thông tin chi tiết về vị trí địa lý nơi sản xuất các sản phẩm này và chứng minh rằng quá trình sản xuất tại những địa điểm này không gây ra tình trạng phá rừng hoặc suy thoái rừng kể từ ngày 31/12/2020.

Việc cung cấp thông tin tọa độ địa lý theo yêu cầu của EUDR hiện nay tại Việt Nam chưa được thực hiện một cách đầy đủ và thống nhất. Mặc dù pháp luật đã có quy định về trích đo địa chính được thực hiện trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000; nhưng việc thể hiện tọa độ địa lý của thửa đất theo kinh độ và vĩ độ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được thực hiện. Các cơ sở dữ liệu đất đai tại một số địa phương cũng chưa được số hóa và liên kết hiệu quả. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của các hộ dân thường bị chia nhỏ, phân tán. Nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận không cung cấp thông tin chính xác. Tình trạng này phần lớn là do các sai sót trong quá trình đo đạc, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, cũng như thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ.

Ngoài nghĩa vụ cung cấp tọa độ địa lý, các hộ gia đình hoặc đơn vị sản xuất còn phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trên đất không có tình trạng phá rừng. Có hai cách chính để chứng minh điều này: (1) Sử dụng ảnh vệ tinh: các hộ gia đình hoặc đơn vị sản xuất có thể tự mình kiểm chứng tính "sạch" của sản phẩm bằng các công cụ bản đồ địa lý ảo trực tuyến miễn phí như Google Earth. Cụ thể, các hộ gia đình hoặc đơn vị sản xuất sẽ xác định vị trí thửa đất trên bản đồ, sau đó điều chỉnh thước thời gian để so sánh hình ảnh của khu vực này qua các năm. Nếu không tìm thấy dấu hiệu phá rừng trong khoảng thời gian canh tác, đây sẽ là bằng chứng đáng tin cậy. (2) Sử dụng giấy tờ pháp lý: Các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng đất, đặc biệt là Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được coi là bằng chứng xác thực nhất về tình trạng không phá rừng. Đối với những Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước ngày 31/12/2020, thông tin về lịch sử sử dụng đất ghi trong giấy sẽ là bằng chứng cụ thể cho thấy không có hoạt động phá rừng xảy ra kể từ mốc thời gian quy định.

Các hộ nông dân tham gia chuỗi cung ứng thường sinh sống ở vùng núi, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin về chính sách và quy định mới

Trụ cột thứ hai trong EUDR là giải trình trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm, cụ thể là: các quyền sử dụng đất; bảo vệ môi trường; các quy định về lâm nghiệp, bao gồm quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, khi liên quan trực tiếp đến khai  thác gỗ; các quyền của các bên thứ ba; các quyền về lao động; quyền con người được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế; Nguyên tắc đồng thuận dựa trên sự tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC), bao gồm các quy định được đưa ra trong Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về các quyền của các dân tộc bản địa; Quy định về thuế, chống tham nhũng, thương mại và hải quan.

Mục tiêu của việc thu thập những thông tin này là để đảm bảo rằng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất một cách bền vững và không gây hại cho môi trường và quyền con người. Các quy định này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phải minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các tác động của họ đối với môi trường và quyền con người trong suốt chuỗi cung ứng.

Chuỗi cung ứng của cả ngành gỗ hiện nay khá phức tạp, với sự tham gia của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu hộ nông dân. Mỗi hộ thường sở hữu từ 2-3 mảnh đất canh tác trở lên, và nguồn gốc của những mảnh đất này rất đa dạng, từ đất được nhà nước giao, đất mua bán đến đất tự khai hoang. Điều đáng lo ngại là nhiều hộ nông dân không có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với đất đai của mình. Nguyên nhân chính là do các thủ tục hành chính rườm rà, thiếu nguồn lực của cơ quan quản lý đất đai địa phương và việc mua bán đất đai không qua trung gian. Tình trạng này gây khó khăn lớn trong việc xác minh nguồn gốc đất đai, ảnh hưởng đến tính pháp lý của toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hộ thường không thể trực tiếp bán sản phẩm cho các doanh nghiệp chế biến mà phải thông qua các tiểu thương. Mạng lưới thu mua của các tiểu thương trải rộng từ cấp thôn, xã đến huyện, tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gỗ. Tuy nhiên, các giao dịch giữa các hộ và tiểu thương thường mang tính chất tự phát, không có hợp đồng rõ ràng. Các bên chủ yếu quan tâm đến giá cả và chất lượng sản phẩm, trong khi các yêu cầu về giấy tờ chứng minh nguồn gốc thường bị bỏ qua. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Các hộ nông dân tham gia chuỗi cung ứng thường sinh sống ở vùng núi, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin về chính sách và quy định mới. Nguồn thông tin chính của họ thường đến từ chính quyền địa phương hoặc các thương lái. Tuy nhiên, những thông tin này thường không đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân. Điều mà họ quan tâm nhất là làm thế nào để bán được sản phẩm với giá cả hợp lý. Vì vậy, việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR liên quan đến đất đai đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, bởi vì nông dân vẫn chưa quan tâm tới các quy định quan trọng.


Tác giả: Kim Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website