Doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống (F&B) chuyển mình phát triển bền vững
Trải qua giai đoạn biến động do đại dịch cùng với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh - bền vững, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.
Doanh nghiệp đầu tư mạnh cho phát triển xanh
Ngành F&B Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12% hằng năm. Năm 2023, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á.
Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tiềm năng phát triển lớn. Với dân số trên 100 triệu và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho ngành nguyên liệu F&B. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt thách thức về chất lượng nguyên liệu, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu liên kết trong chuỗi giá trị. Để phát triển bền vững, cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Trải qua giai đoạn biến động do đại dịch cùng với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh - bền vững, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.
Các xu hướng phát triển bền vũng trong ngành cũng liên tục được cập nhật và phát triển mỗi ngày, điển hình như việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thuần chay, hữu cơ, canh tác theo phương pháp bền vững, tái sử dụng - tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung, cắt giảm chất thải thực phẩm...
Đơn cử như với Vinamilk - thương hiệu ngành F&B có giá trị cao nhất năm 2022 (theo Forbes) - liên tục đầu tư các công nghệ, giải pháp xanh, bền vững tại hệ thống trang trại và nhà máy sản xuất, cho thấy sự cam kết và nỗ lực với định hướng bền vững ở tầm chiến lược và dài hạn.
Hiện nay, 13 trang trại, 10 nhà máy của Vinamilk đã lắp đặt năng lượng mặt trời, song song đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass, CNG (tại nhà máy), Biogas (tại trang trại). Tại nhà máy, 87% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã được thay thế bởi năng lượng xanh, sạch từ Biomass, CNG; 15%-20% điện sử dụng được khai thác từ năng lượng mặt trời. Vinamilk cũng xây dựng mô hình trang trại bò sữa sinh thái Green Farm, Hữu cơ Organic, thực hành chăn nuôi bò sữa theo định hướng nông nghiệp bền vững.
Hay với Acecook, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, toàn bộ bao bì ly nhựa của sản phẩm mì ly Modern và Handy Hảo Hảo đã được Acecook Việt Nam chuyển đổi sang ly giấy. Quan trọng hơn, công ty giữ nguyên giá bán sản phẩm, điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng mà còn củng cố niềm tin vào thương hiệu.
Trước đó, Acecook VN cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi bao bì cho các dòng sản phẩm khác như Tô Nhớ, mì ly Caykay và mì ly Zeppin.
Ngoài việc chuyển đổi bao bì, Acecook Việt Nam còn thay thế nĩa nhựa bằng nhựa sinh học. Loại nĩa này có 49% hàm lượng nguyên liệu sinh học, đạt được chứng nhận có nguồn gốc từ nguyên liệu sinh học từ tổ chức TUV Austria (châu Âu) đã được đưa vào sử dụng trong sản phẩm mì Tô Nhớ từ tháng 7.2024 và dự kiến hoàn tất cho các sản phẩm còn lại vào cuối năm 2024.
Hiện Acecook Việt Nam mỗi năm có tổng sản lượng phục vụ cho người tiêu dùng lên đến hơn 3,4 tỉ sản phẩm. Vì vậy, động thái này không chỉ góp phần làm giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng trong sản xuất mà còn giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Những bước đi đó đã thể hiện cam kết của công ty trong việc giảm thiểu tác động môi trường của các sản phẩm và tiếp tục thực hiện mục tiêu hàng đầu là phát triển bền vững tại Việt Nam.
Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, gia tăng số lượng cây xanh
Với cam kết mạnh mẽ đối với việc gìn giữ hành tinh xanh, Acecook Việt Nam đang từng bước hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn dần cạn kiệt, chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, khí gas đốt sạch, nhằm góp phần giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, trong quy trình sản xuất mì ăn liền, lò hơi là thiết bị tạo ra hơi nước nóng phục vụ cho quy trình sản xuất. Từ năm 2021, Acecook Việt Nam đã lắp đặt hệ thống lò hơi sử dụng nhiên liệu là khí đốt hóa lỏng và toàn bộ được nhập khẩu từ Nhật Bản tại một số nhà máy để góp phần giảm phát thải ra môi trường. So với lò hơi đốt than, lượng CO2 của hệ thống lò hơi sử dụng nhiên liệu khí đốt giảm khoảng 43%, cũng giúp giảm lượng NOx (oxit nitơ) khoảng 70% và không sản sinh ra lượng SO2 (oxit lưu huỳnh), như vậy sẽ hạn chế tối đa lượng khí thải. Từ năm 2023 trở đi, công ty đang thực hiện thay thế dần các lò hơi đốt than sang lò hơi sử dụng nhiên liệu Biomas (nhiên liệu sinh khối) cho các nhà máy còn lại với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch trong thiết bị lò hơi tại tất cả nhà máy.
Ngoài ra, Acecook Việt Nam còn sử dụng "năng lượng xanh" từ hệ thống điện mặt trời để sản xuất mì ăn liền. Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại tòa nhà văn phòng chính và nhà máy ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, có thể cung cấp sản lượng trung bình khoảng 900.000 kWh/năm. Lượng điện năng này tương đương với lượng điện sử dụng để sản xuất khoảng 3,6 triệu gói mì Hảo Hảo. Ngoài việc phục vụ sản xuất, điện năng tạo ra cũng được sử dụng cho các hoạt động của tòa nhà văn phòng chính của công ty tại KCN Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh với 5 tầng và có gần 400 cán bộ nhân viên đang làm việc.
Bên cạnh những hiệu quả về chi phí, việc đưa vào sử dụng nguồn năng lượng xanh thân thiện môi trường từ mặt trời còn giúp góp phần làm giảm lượng khí thải CO2 gây ra do hiệu ứng nhà kính. Hệ thống năng lượng xanh này cũng được đưa vào sử dụng tại nhà máy Vĩnh Long mới vừa được khởi công tháng 3/2024.
Tại Vinamilk, doanh nghiệp đã thực hiện và hoàn thành trồng 1 triệu cây xanh cho Việt Nam. Tiếp đó, là hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero, giai đoạn 5 năm từ 2023 đến 2027. Gần đây nhất, doanh nghiệp này cũng đã công bố Nhà máy và trang trại bò sữa Vinamilk tại Nghệ An được Viện tiêu chuẩn Anh Quốc - BSI (Anh) và Bureau Veritas (Pháp) chứng nhận đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. 100% cửa hàng Vinamilk trên toàn quốc đang sử dụng túi làm từ nhựa tái chế, các muỗng nhựa, ống hút nhựa và màng co đang được doanh nghiệp này cắt giảm có lộ trình.
Với những bước đi mạnh mẽ và sáng tạo trong việc phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đã vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và hành tinh xanh.