Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Xu hướng không thể đổi khác
Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã trở thành mắt xích quan trọng bảo đảm hiệu quả của tiến trình bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà còn là xu hướng, yêu cầu khách quan từ thực tiễn, đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững ngày càng phổ biến
Thực tế hiện nay, tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày. Khảo sát của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value - IBV) đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho thấy, 90% số người được khảo sát nhận định đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan môi trường và tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng đang dần quay lưng, hạn chế sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng.
Bắt kịp xu thế này, nhiều nhà bán lẻ đã đầu tư mạnh cho tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam chia sẻ, Với vai trò một nhà bán lẻ, AEON Việt Nam luôn khuyến khích khách hàng và nhân viên chuyển đổi hành vi cũng như luôn chủ động thay đổi trong vận hành để góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh. Chúng tôi tập trung vào việc giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải từ thức ăn, đồng thời phát triển các sản phẩm nhãn hàng riêng chất lượng và thân thiện với môi trường. Với vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng trong các hoạt động mua sắm hằng ngày, AEON Việt Nam cùng khách hàng địa phương luôn nỗ lực giảm rác thải nhựa, từ đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thừa nhận chuyển đổi xanh manh, hướng tới tiêu dùng bền vững mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội quan trọng, đặc biệt trong việc cải thiện vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng, bà Huệ phân tích, đối với vận hành, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả hoạt động thông qua việc tối ưu hóa quy trình. Ví dụ như giảm thời gian thao tác khi khách hàng đổi điểm thưởng, từ đó phục vụ được nhiều khách hàng hơn với độ chính xác cao hơn. Đồng thời, việc áp dụng các giải pháp số và xanh giúp tiết kiệm chi phí dài hạn, chẳng hạn như giảm chi phí in thẻ, túi ni lông và voucher giấy.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi hơn. Các ứng dụng mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian xếp hàng. Các giải pháp như ki ốt chọn món tự động và quầy thanh toán nhanh cũng giúp khách hàng tự thanh toán, sắp xếp hàng hóa theo ý thích, giảm thiểu thời gian chờ đợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể tạo sự khác biệt bằng cách xây dựng hình ảnh công dân doanh nghiệp tiêu biểu, tạo lợi thế cạnh tranh và tăng cường lòng tin từ khách hàng, đặc biệt là những người quan tâm đến phát triển bền vững. Đón đầu xu hướng thị trường thông qua chuyển đổi số và xanh giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Đối với khách hàng, chuyển đổi xanh mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian qua mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử an toàn. Họ còn có thể đóng góp vào bảo vệ môi trường thông qua việc chọn mua các sản phẩm xanh, gián tiếp thúc đẩy phát triển bền vững. AEON Việt Nam cam kết chung tay với khách hàng và các bên liên quan để mỗi giao dịch của khách hàng đều trở nên "từng đồng, đều ý nghĩa".
Hoặc, hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp "xanh" tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart+.
Cụ thể, WinCommerce sử dụng tất cả túi ni-lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho rằng, các doanh nghiệp nói chung và bán lẻ nói riêng cần Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực nhân lực. Cụ thể, tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, cũng như người lao động. Đồng thời, khuyến khích các trường đại học và cơ sở giáo dục tích hợp các chương trình đào tạo về công nghệ số và phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy, nhằm tạo nền tảng nhân lực vững chắc cho quá trình chuyển đổi này.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Bùi Thanh Thủy cho rằng, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa mặn mà với các sản phẩm xanh bởi nguyên nhân chủ yếu là giá cả. Trong khi đó, các chính sách đầu tư cho người tiêu dùng lại chưa nhiều.Vì đây là việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân, vì vậy chúng ta nên tính đến câu chuyện làm sao để giảm giá thành, giảm thuế tiêu thụ cho các sản phẩm xanh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận.