A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển nhượng các dự án điện mặt trời là một hoạt động kinh doanh bình thường trong cơ chế thị trường

Trước thông tin về việc chuyển nhượng các dự án điện mặt trời từ các nhà đầu tư trong nước qua các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, đây là một hoạt động kinh doanh bình thường trong cơ chế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc liên kết đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ được xem là tín hiệu tốt.

Phóng viên: Bộ Công Thương nhìn nhận, đánh giá thế nào về việc có nhiều dự án điện mặt trời lúc đầu thì được giao cho các nhà đầu tư Việt Nam nhưng sau này được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sở hữu, quản lý vận hành?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Tính đến hết ngày 11/5/2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời (ĐMT) và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại. Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út...

Bộ Công Thương thấy rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông... do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.

Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương

Phóng viên: Theo các quy định của pháp luật hiện nay, đặc biệt là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời các nhà đầu tư nước ngoài có được tham gia vào đầu tư điện mặt trời không?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang kêu gọi thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội trong đó có ngành điện. Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng hướng tới các mục tiêu đó. Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư điện mặt trời theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về đầu tư, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phóng viên: Nhưng thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia đầu tư vào các dự án điện mặt trời, không trực tiếp mà thường là mua lại của các nhà đầu tư Việt Nam, Bộ Công Thương đánh giá về việc này thế nào? Phải chăng giá FIT điện mặt trời của Việt Nam quá cao?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư.

Giá bán điện cố định của các dự án điện mặt trời (FIT) vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn giá cao. Chúng ta đều biết giá dự án điện mặt trời trong thời gian 10 năm gần đây do tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm rất nhanh. Vào năm 2016 chúng ta bắt đầu xây dựng cơ chế giá FIT và đến 2017 giá FIT (9,35 USC/kWh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày11 tháng 4 năm 2017. Vào thời điểm đó giá FIT 9,35 USC/kWh là hợp lý. Tuy nhiên, sau một năm do những biến động của thị trường năng lượng điện mặt trời, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

Do lường trước được xu thế phát triển của điện mặt trời nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 cũng đã đưa ra thời hạn gía FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30 tháng 6 năm 2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất).

Việc các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục... tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ. Điều này cũng giúp giảm chi phí vận hành chung cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện

Phóng viên: Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong việc đầu tư vào ngành năng lượng, việc tham gia đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn khiêm tốn và hạn chế. Theo Bộ Công Thương nguyên nhân vì sao?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Việc tham gia đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng còn hạn chế do các nguyên nhân chủ yếu: Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm.

Tín hiệu về giá năng lượng theo thị trường chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng nếu không có bảo lãnh Chính phủ. Giá khâu phát điện, mua buôn điện được xác định theo cơ chế thị trường, tuy nhiên tỷ lệ tham gia thị trường theo cơ chế cạnh tranh cần được nâng cao.

Các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về năng lượng, đầu tư chưa được hoàn thiện, đồng bộ, vẫn còn rào cản hạn chế đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Ví dụ còn vướng mắc trong các quy định pháp luật về đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải điện.

Nhận định những khó khăn nêu trên, Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng hiện nay là mũi nhọn hết sức quan trọng, đặc biệt là đầu tư theo các cơ chế khuyến khích đã được Chính phủ ban hành như Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khối đầu tư tư nhân trong các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời góp phần tích cực giải quyết một phần nhu cầu nguồn điện cho việc tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Qua đó cho thấy các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến nay hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công bước đầu.

Phóng viên: Nghị quyết 55 được Bộ Chính trị đưa ra về phát triển năng lượng, đặt vai trò phát triển và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Vậy Bộ Công Thương có định hướng thế nào để thu hút tư nhân, nhà đầu tư vào ngành năng lượng, ngành điện? Quan điểm của Bộ Công Thương đối với một số lĩnh vực khi thu hút đầu tư tư nhân để phá vỡ độc quyền nhà nước gồm khí (LNG), truyền tải điện,dự án điện là gì?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân: Phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cơ chế đấu thầu nhằm xóa bỏ rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với hoạt động đầu tư tư nhân đối với lĩnh vực lưới điện truyền tải, thời gian vừa qua, thông qua các chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư tư nhân đã tham gia tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, do đó, nhu cầu đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng với phát triển các nguồn điện cũng tăng cao. Theo đó, một số nhà đầu tư tư nhân, UBND các tỉnh đã có những đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư lưới điện truyền tải.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2321/BCT-ĐL ngày 31/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, một số vấn đề Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Luật PPP, trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật PPP.

Việc rà soát, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) các quy định liên quan đến độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật cần được thực hiện rà soát tổng thể cùng với nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện Luật Điện lực được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website