A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hydrogen - Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng

Tại hội thảo “Đánh giá tổng thể về sản xuất hydrogen xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam”, ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, sản xuất hydrogen xanh là phương pháp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, quá trình điện phân được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Công nghệ này có thể giảm đáng kể lượng phát thải carbon và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sản lượng hydrogen xanh toàn cầu từ quá trình điện phân nước là không đáng kể, năm 2020 chỉ chiếm 0,03% sản lượng hydrogen của thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2030, khi các công nghệ điện phân phát triển vượt bậc và chi phí cho năng lượng tái tạo dự kiến sẽ giảm mạnh, hydrogen xanh sẽ là một lựa chọn khả thi hơn về tài chính. Các quốc gia có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, có mối quan hệ thương mại tốt, ổn định chính trị và có vị trí địa lý gần các nhà nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hưởng lợi từ công nghệ này.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2022, tăng trưởng của Việt Nam tới hơn 8%. Sự tăng trưởng kinh tế đó diễn ra đồng thời với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để bảo đảm an ninh năng lượng. Năng lượng ở Việt Nam, chủ yếu được sản xuất từ than đá, ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của Việt Nam vào năm 2030. Điều đáng khích lệ là Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió kể từ năm 2019.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Vào tháng 12-2022, Việt Nam, các nước G7, châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), theo đó, cam kết ban đầu trị giá 15,5 tỉ USD sẽ được huy động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nhằm giảm 30% lượng phát thải cao nhất hằng năm từ ngành năng lượng, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện từ 36% lên ít nhất 47% vào năm 2030, điều chỉnh giảm lượng than đá tối đa và đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì năm 2035.

“Sản xuất và sử dụng hydrogen xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Để triển khai sản xuất và sử dụng hydrogen xanh, cần hiểu và cập nhật những kiến thức cần thiết về các điều kiện cần thiết, các thuận lợi, khó khăn, thách thức về nguồn lực, tài chính, các điều kiện pháp lý, giúp cho các nhà phát triển, các nhà sử dụng, cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn... định hướng phát triển, chuẩn bị và hỗ trợ phát triển phù hợp với nhu cầu”, ông Lê Việt Cường nhấn mạnh.

 


Tác giả: An Hòa

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website