A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển dịch năng lượng bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Xu thế tất yếu và bền vững

Vốn có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng này, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo đảm phát triển bền vững. Tuy vậy, cơ chế chính sách hiện vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi sớm tháo gỡ để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng ĐBSCL có thể lên tới 136.275MW, điện lượng ước tính 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng. Các địa phương trong vùng đang dịch chuyển dần sang phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, coi đây là xu thế tất yếu và mang tính bền vững.

Từ xóa vùng trắng điện lưới quốc gia…

“5 năm trước, dù có lạc quan đến mấy tôi cũng không dám nghĩ sớm có ngày dùng điện thoải mái như bây giờ”, ông Đoàn Văn Tiền, 58 tuổi, ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang nói.

Nhà ông Tiền nằm ngay cổng lên chùa Phật Nhỏ lưng chừng núi Cấm. Từ đầu những năm 2000, gia đình ông xây dựng lán để phục vụ người hành hương nghỉ trọ nhưng do không có điện lưới quốc gia, chủ yếu dùng điện từ bình ắc quy rất tù mù nên khách thưa thớt, chỉ “dăm chừng mười họa”. Năm 2009, ông Tiền bắt đầu mua tấm pin năng lượng mặt trời thay điện từ bình ắc quy nhưng “đắt quá, tấm 100W mà những 3 triệu” thành thử gia đình chỉ dám đầu tư 2 tấm 200W túc tắc bật chiếu sáng. Khách nghỉ trọ cũng chẳng vì thế mà khá khẩm hơn.

Du khách tham quan cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu - Ảnh: Đan Thanh

Đến năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tỉnh phối hợp Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thực hiện dự án năng lượng xanh, trong đó GreenID hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt, gia đình ông Tiền lắp thêm 20 tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi tấm 330W. Nhờ vậy có đủ điện thắp sáng cho dãy phòng trọ 800m2 cùng 20 phòng tắm, đón 200 - 300 khách hành hương/tháng vào dịp cao điểm lễ hội (tháng Giêng, 7, 10 ÂL). Thu nhập của gia đình từ đó cũng “rủng rỉnh” hơn, ông Tiền tủm tỉm.

Ở Vồ Bà, không chỉ gia đình ông Tiền mà “100% hộ dân bảo đảm điện sinh hoạt nhờ pin năng lượng mặt trời” (tính trước thời điểm sáp nhập với ấp Rau Tần vào tháng 7.2020), Phó Chủ tịch xã An Hảo Chau Khonh xác nhận. Bởi lẽ, ấp chon von lưng chừng núi, dân cư thưa thớt với chưa đầy 80 nóc nhà nên ngành điện lực không đầu tư nối lưới. Hàng chục năm qua, người dân chỉ sống trong cảnh đèn dầu leo lét, khá hơn là dùng ắc quy và 3 - 4 ngày phải mang bình xuống chợ An Hảo cách 4km đường rừng để sạc, vừa mất của (10.000/lần sạc) vừa mất công. Do vậy, khi chính quyền xã phối hợp GreenID tổ chức vận động, đặc biệt là hỗ trợ chi phí lắp đặt pin năng lượng mặt trời đã nhận được sự hưởng ứng của hầu hết người dân trong ấp.

Tính chung trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 300 hộ dân ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn bảo đảm điện sinh hoạt ổn định từ dự án phát triển năng lượng xanh. Ông Mai Chí Cường, chuyên viên Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương An Giang xác nhận: Toàn tỉnh có 37MWp điện mặt trời áp mái, ưu tiên lắp đặt tại vùng không có điện lưới quốc gia (chưa đầy 1% số hộ toàn tỉnh), qua đó bảo đảm cuộc sống sinh hoạt, học tập cho người dân, xóa vùng trắng về lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, An Giang cũng đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện mặt trời bởi tiềm năng phát triển rất lớn với trung bình 2.400 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ mỗi ngày khoảng 4,7 - 5,1kWh/m2. Hiện, trên địa bàn có 4 nhà máy điện mặt trời đang vận hành với tổng công suất 214MWp, dự kiến cuối năm nay phát điện thương mại thêm 106MWp, đạt kế hoạch đề ra theo Đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời giai đoạn đến 2020, xét đến 2030 được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, còn 10 dự án đang chờ Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt với tổng công suất 1.800MWp; 3 dự án tỉnh đang tiếp nhận đầu tư...

… đến mục tiêu trung tâm năng lượng tái tạo

Không riêng gì An Giang, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió đang diễn ra rất mạnh mẽ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tại tỉnh Bạc Liêu - một trong những địa phương đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo với dự án điện gió đầu tiên cả nước hòa lưới điện quốc gia, Phó Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu Lê Văn Hoàng cho biết, tỉnh xác định năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, tỉnh đã hoàn thành Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1,2 quy mô công suất 99,2MW đang hoạt động ổn định, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới dự kiến đạt trên 1,1 tỷ kWh vào cuối năm 2020. Đây là dự án điện gió trên biển có quy mô lớn nhất khu vực ASEAN đến thời điểm này. Bên cạnh đó, tỉnh còn 9 dự án điện gió khác có tổng công suất 562MW đã được bổ sung vào quy hoạch và đang triển khai thực hiện, dự kiến lần lượt hoàn thành đóng điện trước tháng 11.2021.

Ngoài ra, tỉnh đang trình bổ sung 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 8.690,6MW (trong đó điện gió là 7.160,6MW; điện mặt trời là 1.500MW, điện sinh khối là 30MW) để làm cơ sở cho tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Về điện mặt trời mái nhà, tính đến tháng 10.2020, toàn tỉnh đã có 607 hộ và đơn vị đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất lắp đặt là 8.183,3kWp, tổng sản lượng điện đạt 5,2 triệukWh, trong đó gần 2,7 triệu kWh được phát lên lưới điện, còn lại khách hàng tự sử dụng.

 Cùng với việc mới đây, tỉnh đã thu hút đầu tư Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2027. "Khi tất cả các dự án trên hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh, là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia", Phó Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu Lê Văn Hoàng tin tưởng.

Thực tế, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tích cực tại các tỉnh ĐBSCL. Với lợi thế sẵn có như mỗi năm toàn vùng nhận trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng, năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9kWh/m2, hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời, rõ ràng tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rất lớn. Nghiên cứu của GIZ cho thấy, tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng này có thể lên tới 136.275MW, điện lượng ước tính 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng.

Bên cạnh đó, thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6m/giây ở độ cao 80m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500MW. Chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối rất dồi dào từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp trên 23 triệu tấn/năm mà chưa có điều kiện đầu tư khai thác. Việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo đang là xu thế phát triển bền vững của các tỉnh ĐBSCL hiện nay.

Tác giả: Đan Thanh - Báo Đại biểu nhân dân, bài đăng ngày 26/12/2020

Tác phẩm đạt giải C - Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương 


Tin nổi bật

Liên kết website