A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các khu công nghiệp đang tăng tốc nối lại chuỗi sản xuất

Sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19.

Giãn cách xã hội kéo dài đã làm thị trường lao động trầm lắng hơn và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động đã “giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây”. Doanh nghiệp đang vận hành trở lại chuỗi sản xuất trong bối cảnh vô cùng khó khăn.

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tại tỉnh Bình Dương, hầu hết doanh nghiệp quan tâm thủ tục để trở lại sản xuất kinh doanh; quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất; hoạt động theo mô hình “3 xanh” và vấn đề vắc xin.

Đến nay, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã hoạt động lại 100%, tuy nhiên công suất chỉ mới đạt 44% so với trước khi có dịch.

Ảnh minh họa

Ngay khi trở về trạng thái bình thường mới, Sở Công thương Bình Dương đã đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất trở lại xây dựng phương án trong tình hình mới, gửi các cấp, ngành, địa phương và triển khai ngay việc mở cửa khi bảo đảm các điều kiện theo quy định. Bình Dương sẽ trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động và thực hiện công tác hậu kiểm. Sở Công thương Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm nhằm đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.

Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương cũng đã giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn kít test đạt chất lượng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/test. Doanh nghiệp được phép gộp 3 đến 5 mẫu nên chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân sẽ rất thấp. Đồng thời, thời hạn kết quả xét nghiệm tới 7 ngày. Hiện người lao động ở Bình Dương đã tiêm mũi 1 và dự kiến trong tháng 10 này sẽ phủ 100% mũi 2.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, về sản xuất công nghiệp, tại tỉnh Bến Tre, nhìn chung hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 13/10/2021, toàn tỉnh có 2.258 doanh nghiệp đang hoạt động với 67.015 lao động (tỷ lệ 55%/tổng số doanh nghiệp hoạt động; tăng 1.593 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 239% so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg).

Trong đó có 08 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 863 lao động; 2.250 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới với 66.152 lao động.

Triển khai Kế hoạch số 6601/KH-UBND kế hoạch đưa người lao động trở lại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để làm việc (theo Công văn số 3232/UBND-ĐT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc phối hợp vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới).

Theo số liệu các huyện, thành phố Bến Tre rà soát đến ngày 08 tháng 10 năm 2021 là 1.056 người lao động đã đăng ký.

Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre đang có có 2.224 doanh nghiệp hoạt động, với 65.430 lao động, chiếm tỷ lệ 54% so với tổng số doanh nghiệp hoạt động và tăng 1.559 doanh nghiệp so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong đó có: 19 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, với 3.393 lao động và 2.205 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, với 62.037 lao động.

Cũng theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 11/10/2021, có tổng cộng 3.898 doanh nghiệp thực hiện cập nhật vào website http://kcnvietnam.vn để tạo tài khoản và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp.

Theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 3.180 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 669 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khôi phục sản xuất theo các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể tính đến sáng ngày 11/10/2021, trong Khu công nghiệp, tổng số doanh nghiệp còn lại đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 1.176 doanh nghiệp, với tổng số lao động lưu trú là 154.699 người; có 139 doanh nghiệp thực hiện phương án cho người lao động đi về hàng ngày với tổng số lao động đăng ký là 41.762 người.

Ngoài Khu công nghiệp, tổng số doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 253 doanh nghiệp với số lao động lưu trú 18.555 người (trong đó, 31 doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp với số lao động lưu trú 2.333 người). Tổng số doanh nghiệp đang thực hiện phương án “1 cung đường 2 địa điểm” là 104 doanh nghiệp với số lao động lưu trú 10.158 người. Tổng số doanh nghiệp thực hiện cả 2 phương án là 12 doanh nghiệp với số lao động lưu trú 2.794 người. Số doanh nghiệp đang ngừng hoạt động do không thực hiện 3 tại chỗ trước đây, nay có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi về hàng ngày là 24 doanh nghiệp với số lao động 5.545 người.

Tại Hà Nội, sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc sản xuất để đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Ở 9 Khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng doanh nghiệp hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo COVID-19 tại doanh nghiệp với 3.600 tổ COVID an toàn. Việc phủ sóng vắc xin mũi 1 đạt 97%; mũi 2 đạt 48% số đã tiêm mũi 1.

Thống kê cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong 8 tháng qua, Hà Nội ghi nhận hơn 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.


Tác giả: An Châu

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website