A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực sản xuất của Singapore

Singapore - một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất châu Á - đã áp dụng liên tục các sáng kiến của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 như Internet of Things (IOT), robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực sản xuất.

Sản xuất chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore. Đây cũng là nước xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao lớn thứ tư toàn cầu. Trong thập kỷ qua, các nhà sản xuất ở Singapore đã phải đối mặt với áp lực kép là chi phí lao động cao và các hạn chế gia tăng đối với lao động nước ngoài. Do đó, tự động hóa thông minh được coi là công cụ để duy trì sức cạnh tranh với các nước láng giềng với lợi thế về chi phí lao động thấp hơn.

Singapore đã đầu tư vào R&D trong các công nghệ sản xuất và kỹ thuật tiên tiến kể từ Kế hoạch Công nghệ Quốc gia đầu tiên vào năm 1991 nhằm thúc đẩy nền kinh tế dựa trên tri thức, định hướng đổi mới. Năm 2010, chiến lược nghiên cứu và phát triển của Singapore được mở rộng sang lĩnh vực Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp (RIE). Các kế hoạch RIE2015 và RIE2020 bao gồm các chiến lược dịch thuật, thương mại hóa và đổi mới để khai thác quy trình ngày càng tăng của các kết quả nghiên cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp. Đáng chú ý, các khoản đầu tư cho các kế hoạch RIE ngày càng tăng, trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, Singapore đã phân bổ 16,1 tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu; giai đoạn 2016 -2020, quốc gia này đã phân bổ 19 tỷ USD cho kế hoạch RIE (tăng 18% so với giai đoạn trước).

Những nỗ lực của RIE đã hỗ trợ sự tăng trưởng liên tục và khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực sản xuất và kỹ thuật của Singapore. Điều này có tác động lan tỏa đáng kể đến nền kinh tế Singapore: cứ 1 triệu USD giá trị gia tăng do khu vực sản xuất tạo ra thì 0,28 triệu USD giá trị gia tăng tương ứng đã được tạo ra cho phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt là trong các dịch vụ thâm dụng tri thức.

Năng lực công nghệ mạnh mẽ của Singapore cũng đã thu hút và thu hút các công ty đa quốc gia (MNC) thành lập các phòng thí nghiệm doanh nghiệp, trung tâm R&D và thực hiện các hoạt động sản xuất giá trị gia tăng cao tại Singapore. Điều này đã mang lại những lợi ích trực tiếp như việc làm tốt cho người dân Singapore, cũng như lợi ích cho nền kinh tế, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ.

Với sự đầu tư, đổi mới mạnh mẽ đã khiến lĩnh vực sản xuất của Singapore có những bước nhảy vọt trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Singapore tăng trưởng liên tục trong 5 năm trở lại đây, từ mức 94,8 điểm chỉ số năm 2017 lên 107,5 điểm chỉ số trong năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu. Tại Singapore, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Singapore là rất lớn. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch quốc tế, bao gồm vận tải hàng không, lưu trú và các lĩnh vực liên quan đến du lịch khác, trong bối cảnh các chính sách cách ly xã hội ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, các lĩnh vực hướng ra bên ngoài như sản xuất và thương mại bán buôn đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi các lĩnh vực định hướng trong nước như xây dựng và bất động sản bị ảnh hưởng bởi tác động lan tỏa tiêu cực do suy thoái kinh tế kinh tế trong nước.

Tuy vậy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Singapore vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2020, tăng 7,5 điểm phần trăm so với năm 2019, lên mức 107,5 điểm chỉ số, và tiếp tục tăng mạnh lên mức 119,4 điểm chỉ số trong 8 tháng năm 2021 - mức cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả trên có được là nhờ Singapore đã và đang ứng dụng thành cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực sản xuất thông qua Kế hoạch RIE qua các giai đoạn.

Với sự thu hút đầu tư, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất, trong giai đoạn 2017 - 2021, nhiều nhóm ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Singapore có chỉ số sản xuất tăng mạnh như ngành sản xuất trang phục; ngành sản xuất dược phẩm và các sản phẩm sinh học; ngành sản xuất máy vi tính, điện tử và quang học; ngành sản xuất máy móc, thiết bị...

Tuy vậy, một số nhóm ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Singapore lại giảm trong giai đoạn 2017 - 2021 như ngành sản xuất các sản phẩm dệt; ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; ngành sản xuất sản phẩm da; ngành in ấn, tái tạo phương tiện đã ghi; ngành sản xuất dầu mỏ tinh chế; ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại; ngành sản xuất phương tiện cơ giới, rơ moóc và bán rơ moóc; ngành sản xuất thiết bị vận tải khác và ngành sản xuất đồ nội thất.

Để phục vụ cho hoạt động sản xuất cũng như bù đắp cho sự thiếu hụt trong nước, Singapore cũng đã tăng nhập khẩu nhiều nhóm hàng hóa. Theo thống kê số liệu từ Cục Thống kê Singapore, nhập khẩu hàng hóa (để sản xuất và tiêu dùng) của Singapore tăng trưởng bình quân 0,6%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, nhập khẩu một số nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh như các thiết bị, dụng cụ khoa học và điều khiển tăng 21,8%/năm; khoáng sản phi kim loại tăng 21,4%/năm; chất béo và dầu động vật hoặc thực vật, sáp chế biến từ nguồn gốc động vật hoặc thực vật, hỗn hợp không ăn được hoặc các chế phẩm từ chất béo hoặc dầu động vật hoặc thực vật tăng 67,7%/ năm; quặng kim loại và phế liệu kim loại tăng 22,4%; thiết bị và dụng cụ chụp ảnh, quang học tăng 20,8%; vải sợi dệt, các sản phẩm chế tạo và các sản phẩm liên quan tăng 55,6%/năm… Trái lại, nhập khẩu một số nhóm mặt hàng vào Singapore lại giảm trong giai đoạn 2017 - 2020 như dầu mỏ, sản phẩm và vật liệu liên quan giảm 11,8%/năm; khí ga giảm 11,6%/năm; phân bón và khoáng chất giảm 27,4%/năm; cao su giảm 29,9%; nguyên liệu động vật và thực vật thô giảm 12%/năm…

Tính riêng 8 tháng năm 2021, nhập khẩu một số nhóm mặt hàng vào Singapore cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như máy móc và thiết bị điện và các bộ phận điện; dầu mỏ, sản phẩm và vật liệu liên quan; khí ga; thuốc và sản phẩm dược phẩm; sắt thép; kim loại; các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo; chất béo và dầu động vật hoặc thực vật, sáp chế biến từ nguồn gốc động vật hoặc thực vật, hỗn hợp không ăn được hoặc các chế phẩm từ chất béo hoặc dầu động vật hoặc thực vật; quặng kim loại và phế liệu kim loại; thiết bị và dụng cụ chụp ảnh, quang học; vải sợi dệt, các sản phẩm chế tạo và các sản phẩm liên quan; cao su.

Có thể thấy, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động rất mạnh đến ngành sản xuất của Singapore, thông qua các kế hoạch phát triển Nghiên cứu, đổi mới và Doanh nghiệp (RIE) của Singapore đã thực hiện, đặc biệt kế hoạch RIE sẽ tiếp tục được Singapore đẩy mạnh với tổng số vốn đầu tư là 25 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 (tăng 35% so với giai đoạn 2016 - 2020) sẽ thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Singapore.

Trong quá trình phát triển sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Singapore cũng vẫn có nhu cầu nhập khẩu một số nhóm hàng hóa như máy móc, thiết bị điện; thiết bị viễn thông, ghi âm, tái tạo; nhóm hàng dệt, sợi, vải; giấy bìa và các sản phẩm bột giấy... đây là những nhóm hàng mà ngành sản xuất liên quan của Singapore còn hạn chế do quốc gia này đang tập trung đẩy mạnh phát triển các nhóm ngành như ngành sản xuất dược phẩm và các sản phẩm sinh học; ngành sản máy vi tính, điện tử và quang học; ngành sản xuất máy móc, thiết bị; ngành sản xuất trang phục...

Đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu nếu muốn mở rộng thị trường sang quốc gia này.


Tác giả: An Bình tổng hợp
Nguồn:Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website