A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình từng khu vực

Hà Nội không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của Thành phố. Việc giãn cách hay nới lỏng quy định chống COVID-19 phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn. 

Hiện nay số ca mắc trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn của TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Thông tin được Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết tại buổi thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành ủy Hà Nội chiều 10/9. 

Cơ bản khống chế được dịch bệnh

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đã trải qua tròn 50 ngày với 4 đợt giãn cách, số ca mắc trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần.

Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%; giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%; cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4  giảm xuống còn 8,7%. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa.

Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế và đã xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40.000 F0, giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.

Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 F0; đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3. Thành phố cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.

Tất cả các cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ đều vận hành trên cơ sở sử dụng các nhà tái định cư, chung cư thương mại, các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn, không phải xây mới. Duy nhất chỉ có bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (tại Yên Sở, Hoàng Mai) là phải xây mới.

Về cơ sở cách ly, Hà Nội hiện nay mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố cũng giao cho các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.

“Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua là Thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết.

Cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men không bị đứt gãy

Ông Nguyễn Văn Phong cho biết mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là hạn chế tối đa người ra đường nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh. Trên cơ sở đó rà soát, truy vết các trường hợp nhiễm bệnh để cách ly.

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù thực hiện Chỉ thị 16 nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh và đã điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩn, thuốc men của người dân trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy; tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, Thành phố đã ban hành Nghị quyết 15 để bao phủ thêm các nhóm đối tượng chưa được Trung ương quy định hỗ trợ (với 10 nhóm đối tượng, 12 nhóm chính sách). Cùng với đó, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm, chăm lo hỗ trợ nhiều lần, cho nhiều đối tượng chính sách trong suốt đợt dịch vừa qua. Thành phố cũng giao cho MTTQ là đầu mối tiếp nhận và phân phối các mặt hàng tiếp nhận, để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù là địa bàn rất phức tạp, nhưng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố được đảm bảo.

Rút kinh nghiệm từ một số địa phương, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch. Tất cả các quận, huyện, phường, xã đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thành phố cũng lập Sở Chỉ huy kết nối đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; xây dựng phần mềm quản lý, phân loại F0, điều phối F1; lập tổng đài 1022 với 6 nhánh, trong đó có khai báo y tế, kết nối với CDC, 115 và phản ánh về vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua quá trình tổ chức phòng chống dịch nhận thấy một số mục tiêu chưa đạt, chưa đồng đều ở một số địa phương, đơn vị, như: Vẫn còn tính hình thức nên có nơi phong toả bên ngoài chặt nhưng bên trong còn lỏng; còn hiện tượng lượng người ra đường đông, không đúng như mục tiêu đặt ra khi thực hiện Chỉ thị 16; chỗ này, chỗ khác có hiện tượng chủ quan, lơ là; qua các đợt xét nghiệm diện rộng vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng…

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đang được nới lỏng

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn.

Chính vì thế, Thành phố chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó tập trung kiểm soát chặt vùng 1- nơi có nguy cơ cao nhất. Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc vùng 2 và vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động.

Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày, nên dự kiến số vaccine được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới. Nếu được phân bổ đủ vaccine, Thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12/9.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để bảo vệ thành quả chống dịch thì hạn chế người ra đường là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hạn chế dịch lây lan. Các quy định của pháp luật về cơ bản đã có nhưng bên cạnh những việc các cơ quan quản lý đang thực hiện (như cấp giấy đi đường, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt...) thì câu chuyện ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật có ý nghĩa quyết định.


Nguồn:Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website