A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời, làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến ngành Công Thương

Sáng 7/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp câu hỏi của ĐBQH liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử; dự án Long Phú I; quản lý kinh doanh thuốc lá điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu.

Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên thương mại điện tử

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt qua các kênh bán hàng online. Đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này, để người tiêu dùng, người sản xuất chân chính được bảo vệ?

Đi thẳng vào vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, doanh thu mỗi năm trên môi trường thương mại điện tử đạt từ 16 - 19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng rất cao trong khu vực và thế giới. Tuy vậy, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như đại biểu Lê Đào An Xuân đã nêu.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với quy mô lớn, như vụ việc kiểm tra tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Square đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam; vụ việc kiểm tra tại 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; vụ việc kiểm tra, xử lý 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn, Thanh Hóa… Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet, sử dụng website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: Bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử; Gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24h kể từ khi nhận được yêu cầu; Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, livestream và các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa; Phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo để hỗ trợ xử lý các nội dung mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên nền tảng xã hội.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và các quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường quản lý toàn diện hoạt động giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phối hợp để rà soát, gỡ bỏ những thông tin về sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.

Tích cực giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc khẩn trương đưa Dự án nhiệt điện Long Phú 1 đi vào hoạt động

Với câu hỏi của Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) về giải pháp và thời gian trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vướng mắc để nhiệt điện Long Phú 1 sớm đi vào vận hành; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ năm 2010, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và đến ngày 30/12/2014, PVN đã ký kết với Liên danh Nhà thầu Power Machines (PM) - Công ty của Nga và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) làm Tổng thầu EPC.

Tuy nhiên, thực hiện dự án mới được khoảng 77-78%, thì phát sinh vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/01/2018. Đến tháng 01/2019, nhà thầu Power Machines đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do bất khả kháng và đến ngày 23/8/2019, sau khi có hàng chục cuộc trao đổi và đàm phán không thành công thì Công ty Power Machines đã thông qua Luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC). SIAC đã tổ chức 2 phiên xét xử (đợt 1 từ ngày 16 đến ngày 20/1/2023; đợt 2 từ ngày 30/1/2023 đến ngày 3/2/2023). Dự kiến trong Quý IV/2023, SIAC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

“Như vậy, sau khi có phán quyết của SIAC thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án Long Phú 1; ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất, các vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án nhằm bảo tính tương thích về công nghệ, giảm thiểu giao diện quản lý, tối ưu hóa thiết kế, tiến độ” - Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thực tế đến nay nhiều hệ thống thiết bị chính thức của dự án cũng đã được sản xuất chế tạo và lưu tại kho sản xuất hoặc là vận chuyển một phần về công trường của dự án này. Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN - với vai trò là chủ đầu tư dự án Long Phú 1 có phương án thực hiện đối với dự án này với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành một cách sớm nhất, trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, PVN có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Về vấn đề này, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất sát sao bảo đảm làm sao tái khởi động và hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất và phấn đấu trong năm 2026; bảo đảm đúng luật pháp và bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng đồng thời cũng phải giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với Nga, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho dự án này; kịp thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền, để làm sao khẩn trương đưa dự án này đi vào hoạt động.

“Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác về Dự án Long Phú I, đã rốt ráo làm việc với phía bạn, đồng thời chỉ đạo PVN khẩn trương tìm các giải pháp sau khi có phán quyết của SIAC thì sẽ triển khai thực hiện như đã báo cáo ở trên” - Bộ trưởng chia sẻ.

Sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới

Trả lời câu hỏi về việc quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới của Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang). Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương đã có 02 tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu như đại biểu nêu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới.

“Bộ Công Thương cũng đã có 2 lần làm việc với Bộ Y tế về nội dung này, trong đó lần gần nhất vào ngày 23/5/2023 và hiện vẫn đang trong quá tình rà soát để thống nhất quan điểm với Bộ Y tế để hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (Nghị định 67) để có hình thức quản lý phù hợp; dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay. Về quan điểm, Bộ Y tế là không ủng hộ nhưng Bộ Tư pháp lại đề nghị cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, trong quá trình xây dựng, quản lý chính sách thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế và những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ FTA mà Việt Nam đã tham gia để đẩy mạnh xuất khẩu

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đưa ra câu hỏi về những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới. Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do FTA được Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điểm rõ nhất là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 24,6 tỷ USD.

Để có được kết quả như vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Tính đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều Hiệp định FTA với độ phủ rộng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA, bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-len, Liechtenstein), Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MECOSUR), UAE và Canada (riêng với UAE, dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong tháng 11 này); đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng, các đối tác có nền kinh tế bổ trợ với Việt Nam và những đối tác có tiềm lực về khoa học công nghệ để tiến tới đàm phán FTA trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA, như:

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, …); chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.

Thứ hai, phát huy và nâng cao vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt, thông tin kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chính sách mới của các nước sở tại, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước và hàng tháng Bộ Công Thương đã duy trì chế độ giao ban Thương vụ toàn Thế giới với các Hiệp hội xuất khẩu trong nước nhằm kịp thời cập nhật thông tin, tình hình.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới còn tiềm năng.

Thứ tư, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và vào hệ thống cung ứng tại thị trường nước ngoài.

Thứ năm, chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.

Cuối cùng là tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể để các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện có hiệu quả, đặc biệt lưu ý tại các thị trường có tiêu chuẩn nghiêm ngặt./.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website