A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Không có cơ sở để hủy bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận

Chiều 30/5, thảo luận về báo cáo giám sát trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, dành toàn bộ thời gian để nói về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng thế giới đang quay trở lại với điện hạt nhân: “dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, mới chỉ quyết định tạm dừng cho nên không có cơ sở hủy bỏ quy hoạch địa điểm”.

Trăn trở về phát triển điện hạt nhân

Tại hội trường Quốc hội chiều 30/5, thảo luận về báo cáo giám sát trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho hay, năm 2016, Quốc hội khoá XIV đã tạm dừng chủ trương thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

https://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/1.toa%CC%80n%20ca%CC%89nh%20cqh_1199.jpg

“Ở khu vực này, người dân vẫn bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng… Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc”, bà Hương thông tin.

https://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/44.%20bo%CC%A3%CC%82%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%89ng%20bo%CC%A3%CC%82%20co%CC%82ng%20thu%CC%9Bo%CC%9Bng%20nguye%CC%82%CC%83n%20ho%CC%82%CC%80ng%20die%CC%82n.jpg

Tại báo cáo giám sát, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi cấp có thẩm quyền có ý kiến chính thức. Theo bà Hương, điều này khiến người dân ở vùng dự án lo lắng về việc kéo dài quy hoạch, còn nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại. Do vậy, bà Hương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, bà cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, giải quyết các vấn đề, vướng mắc được nêu cụ thể tại báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế và sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Công Thương về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận… để có cơ sở phê duyệt đề án ổn định lại sản xuất. Từ đó có cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu TP HCM Trương Trọng nghĩa cũng cho rằng quyết định tạm dừng chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định đúng đắn của Quốc hội. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cần quyết định chính thức xóa bỏ quy hoạch này. Đồng thời, tạo ra vùng quy hoạch mới cho tỉnh để phát triển năng lượng tái tạo, thu hút du lịch.

https://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/43.%20tru%CC%9Bo%CC%9Bng%20tro%CC%A3ng%20nghi%CC%83a%20-%20tp.ho%CC%82%CC%80%20chi%CC%81%20minh.jpg

“Vừa rồi tôi đọc thấy thông tin là hình như có sự luyến tiếc về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận. Cá nhân tôi đề nghị xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu 10 năm nữa, chúng ta có nhu cầu phát triển điện hạt nhân thì lúc đó sẽ nghiên cứu địa điểm xây dựng sau”, ông Nghĩa kiến nghị, đồng thời cảnh báo, việc xây dựng điện hạt nhân có nhiều rủi ro, phụ thuộc vào nước ngoài, trong khi năng lực quản lý, kỹ thuật của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.

Thế giới đang quay trở lại điện hạt nhân

Trước vấn đề đại biểu nêu liên quan đến điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ: “Chúng ta đều biết rằng cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội cũng đã biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ. Cho nên về nguyên tắc là không có cơ sở để bỏ quy hoạch địa điểm điện hạt nhân. Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành cùng với các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định, địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân của chúng ta”.

Về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ về xu hướng thế giới đã quay trở lại điện hạt nhân. Trong tương lai để thực hiện cam kết ở Hội nghị COP 26 thì các Quốc gia phải phát triển năng lượng tái tạo và tính đến điện hạt nhân – nguồn điện “nền” sự linh hoạt để bảo đảm an toàn hệ thống.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng báo cáo với Quốc hội là vấn đề điện hạt nhân rõ ràng là cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được. Nhưng ở góc độ của ngành thì ngành cũng đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp rằng thế giới hiện nay đang quay lại để phát triển điện hạt nhân.

Theo Bộ trưởng, với những cam kết tại COP26 thì Việt Nam sẽ phải phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn nền ổn định. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, thủy điện gần như đã hết dư địa để phát triển vì thế xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin thêm, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia 3 năm trước khởi động quá trình giảm điện hạt nhân. Nhưng đến bây giờ chính hai quốc gia này đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân làm cơ sở cho việc phát triển, khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

"Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội là vấn đề xóa bỏ quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân ở khu vực Ninh Thuận thì chúng ta chưa nên xem xét đến và để chờ đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức chúng ta tiếp tục hay là không tiếp tục thì hãy tính" - Bộ trưởng nói.

Trước đó, trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát. Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng. "Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", Uỷ ban Kinh tế nhận xét.

https://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/44.%20bo%CC%A3%CC%82%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%89ng%20bo%CC%A3%CC%82%20co%CC%82ng%20thu%CC%9Bo%CC%9Bng%20nguye%CC%82%CC%83n%20ho%CC%82%CC%80ng%20die%CC%82n%20(2).jpg

 

Ngày 30/5/2022, Quốc hội dành cả ngày làm việc cho công tác giám sát tối cao. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; xem videoclip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung trên.

Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu; 01 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau:

Thứ nhất, đánh giá về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật của công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các địa phương.

Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn; sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch 2019 và các luật liên quan. Hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện lập quy hoạch.

Thứ ba, những hạn chế, bất cập về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp, các ngành, về sự tồn tại song hành áp dụng cả 2 loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch, trình tự, thủ tục; về quy định sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn xã hội hóa khác; về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn, cơ chế quy định sử dụng các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lập quy hoạch, để từ đó rút ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ tư, về những đề xuất của Đoàn giám sát, bao gồm: (1) Đề nghị Quốc hội cho phép triển khai 8 nội dung chưa có trong quy định của Luật Quy hoạch, hoặc khác với Luật Quy hoạch có liên quan, như: về giải thích khái niệm tích hợp, quy hoạch và đề nghị Chính phủ hướng dẫn quy trình, thủ tục lập quy hoạch để tích hợp quy hoạch; về chỉ định thầu để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; về lập quy hoạch đồng thời và điều chỉnh quy hoạch cấp dưới mà không thực hiện quy trình lập quy hoạch; về rút gọn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; về sử dụng kinh phí thường xuyên cho việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố quy hoạch; về tiếp tục thực hiện các quy hoạch được quy định ở điểm c, khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được phê duyệt trước 01/01/2019 cho đến khi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành được phê duyệt; về phân kỳ đầu tư lập quy hoạch gắn với kế hoạch 5 năm theo Điều 45 của Luật Quy hoạch; về quy định bản đồ kèm theo khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn của các quy hoạch cùng cấp nhưng không mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên hoặc không đề cập ở quy hoạch cấp trên. (2) Đề nghị giao Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn của mình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và xác định các giải pháp trước mắt, trong đó có 8 nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và về lâu dài các giải pháp trung và dài hạn, trong đó có việc giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật liên quan để sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website