Chính phủ thảo luận dự thảo nghị định về kiểm tra ATTP hàng nhập khẩu
Ngày 17/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau trong dự thảo Nghị định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai các nội dung cải cách cơ bản trong Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu, được phê duyệt kèm theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.
Dự thảo Nghị định cũng quy định áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, được công kai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) để doanh nghiệp tra cứu, chủ động thực hiện.
Tất cả các thủ tục hành chính tại dự thảo Nghị định được quy định phải thực hiện trên NSW. Việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính giúp đơn giản hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra; cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường vai trò quản lý nhà nước; minh bạch hóa, công kai hóa thông tin xử lý của các cơ quan, tổ chức.
Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu xoay quanh những nội dung còn có ý kiến khác nhau, như thẩm quyền của cơ quan hải quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng nhập khẩu; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định đối với hàng hóa công bố hợp quy theo biện pháp 2a, 2b quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP....
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm không trái với các văn bản luật liên quan đồng thời bám sát nội dung của Đề án.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Nghị định phải hướng tới cải cách tốt nhất thủ tục hành chính, giảm thiểu các đầu mối, phối hợp sử dụng công nghệ thông tin để tránh gặp gỡ trực tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nhập khẩu hàng hóa.