A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 1/2022

Trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.

Năm 2022, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng với mức độ thấp hơn năm 2021 và tiềm ẩn trước nhiều rủi ro. Dự báo kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng khoảng 4,5 - 4,9%, trong đó Mỹ tăng 3,9%, Trung Quốc tăng 5,3% (thấp hơn so với mức tăng 8% của năm 2021), khu vực Eurozone tăng 4,5%, Nhật Bản tăng 2,9%, Ấn Độ tăng 7,5%, Nga tăng 3,2%. Do đó, tăng trưởng thương mại thế giới cũng được dự báo tăng trưởng 4,7%, giảm so với năm 2021 (9,7%). Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Giá hàng hóa cơ bản tăng chậm lại nhờ chuỗi cung ứng được khôi phục, nhất là giá năng lượng dự báo tăng 2,3%, thấp hơn nhiều mức tăng 91,9% năm 2021. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát ở các nước với dự báo lạm phát của các nền kinh tế phát triển giảm từ 2,8% năm 2021 xuống 2,3% năm 2022 và của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm từ 5,5% năm 2021 và xuống 4,9% năm 2022.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục đứng trước nhiều rủi ro như: dịch bệnh Covid -19 tiếp tục phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới, tâm dịch liên tục thay đổi và chuyển dịch; nguy cơ bất ổn tài chính - tiền tệ gia tăng; giảm tốc tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến các nước đối tác đang phát triển; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực và trên toàn cầu…

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra cả thời cơ và thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022.

Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành. (Quyết định số 60/QĐ-BCT về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Quyết định số 61/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ - CP).

Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.

Chỉ số IIP tháng 1/2022 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,6%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sản xuất công nghiệp trong tháng 01/2022 tăng trưởng không cao so với cùng kỳ năm trước: (i) Do số lượng lao động trở về quê ăn Tết khá nhiều bởi một số địa phương quy định chính sách giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nên người lao động trở về quê sớm, gây thiếu hụt lực lượng lao động cho sản xuất; Tháng 01/2022 là tháng sát tết âm lịch, hoạt động của các doanh nghiệp cũng được cắt giảm so với cùng kỳ; Đây là thời điểm đầu năm, thị trường và sức mua vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh trong năm 2021 vừa qua, do đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp cũng không cao.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tháng 01/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: khai thác quặng và kim loại tăng 21,9%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,8%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; Sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,3%; dệt tăng 8,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 15,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 01/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Alumin tăng 35,7%; Thép thanh, thép góc tăng 20,3%; ô tô tăng 11,7% (do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021...); Phân hỗn hợp NPK tăng 15,6%... Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Tivi các loại giảm 33,5%; Dầu mỏ thô khai thác giảm 7,55; Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 11,7%; đường kính giảm 29,4%...

Nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Mặc dù đây là tháng đầu của năm 2022 nhưng lại là tháng cuối của năm âm lịch, là dịp sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nên số ngày làm việc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tháng nay chỉ là 24 ngày (kể cả thứ 7 và tính đến hết ngày 28/01/2022, tức là hết ngày 26 âm lịch). Ngoài ra, tại một số địa phương đã ban hành quy định người dân từ các vùng dịch về quê ăn Tết phải cách ly 7 ngày nên nhiều công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp đã xin nghỉ làm trước Tết khoảng 7-10 ngày để kịp thực hiện cách ly khi về quê ăn Tết. Do đó, số ngày làm việc thực tế của các công nhân này trong tháng 01/2022 chỉ khoảng 15 ngày.

Do vậy, cùng với sự tăng nhẹ của sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng không đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước tính đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD giảm 16,9% so với tháng trước nhưng tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,8 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 01/2022 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may và may mặt đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2022 ước tính đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 6,7% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng trước nhưng tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Trong tháng 01 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Máy tính, sp điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng trước; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD, giảm 5%; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 2 tỷ USD, giảm 12%.

Ước tính tháng 01/2022 nhập siêu 0,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Về thị trường trong nước

Tháng 01/2022 là thời điểm sát Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 ước tính đạt 470,68 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 ước tính đạt 383,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng mức, tăng 7% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng mức và tăng 8% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 993 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và tăng 2,7% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 44,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng mức và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, kế hoạch bán hàng phục vụ Tết, tình hình nguồn cung, dịch bệnh... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Một số địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân mua hàng hóa, nhu yếu phẩm thông qua các hình thức trực tuyến, giao hàng tận nơi, hạn chế đến nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ trong tháng 2 và các tháng tiếp theo

Các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành tại Quyết định số 60/QĐ-BCT; Quyết định số 61/QĐ - BCT ngày 18 tháng 01 năm 2022; trong thời gian tới tập trung vào một số nội dung chính sau:

Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cũng như các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 09 năm 2021, văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ,  Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021 và Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Hai là, tích cực triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2022 với quyết tâm và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Ba là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Bốn là, triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Năm là, tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2022. Hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.

Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Bảy là, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2022, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website