Đại biểu Quốc hội hiến kế phục hồi, phát triển kinh tế sau Đại dịch Covid-19
Tại phiên thảo luận sáng nay 8/11, các đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có những giải pháp chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, đây cũng là dịp phải nhìn nhận lại các vấn đề về: năng lực điều trị của hệ thống y tế hiện nay; cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch kịp thời...
Sáng 08/11, mở đầu Đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV; về tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng
Cần có giải pháp tổng thể liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Phát biểu về tình hình nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng lộ rõ những hạn chế, bất cập cần quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với một nền nông nghiệp bất ổn. Mặt khác, đất đai của chúng ta hiện nay manh mún, phân tán gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng việc sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn, đồng thời tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị trong sản xuất nông nghiệp là nguyện vọng của cử tri hiện nay.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết thêm, vật tư đầu vào cho sản xuất, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất không ngừng tăng cao. Giá các sản phẩm nông nghiệp lại bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất, đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực khu vực và sự phát triển của khu vực cũng như An Giang. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn vì lợi ích của bà con nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu cho rằng đa phần sản phẩm nông nghiệp chỉ mới đáp ứng được thị trường "dễ tính". Bên cạnh việc nông dân có thói quen làm ăn theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ đều chưa được thực hiện một cách đồng bộ. Chính vì vậy, giá cả và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường khu vực cũng như trên thế giới gặp nhiều thách thức. Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp hơn nữa để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, để nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thật sự vững chắc, bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân, của chính quyền địa phương trong khu vực vẫn cần có nhiều vấn đề đặt ra, cần có giải pháp tổng thể trên tất cả các khía cạnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ.
Theo đại biểu, thứ nhất, vấn đề tích tụ ruộng đất phải chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Thứ hai, nhân rộng những cách làm mới mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Thứ ba, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thứ tư, xem xét tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn liên kết vùng, thành vùng sản xuất lớn. Thứ năm, quan tâm nhiều hơn đến chính sách cho vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19 nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp để đảm bảo cho sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.
Phục hồi và phát triển du lịch
Góp ý về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính và đào tạo lại, bảo đảm sự tồn tại của các doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng; tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ... Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị “nén” suốt mấy tháng qua.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho du khách. Hiện nay, nhiều địa phương trong đó có Quảng Bình đã khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình. Do đó cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dich bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn. Quy trình này cần được chuẩn hoá trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để “làm ấm” lại thị trường du lịch thế giới.
Cho biết, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, tổng thu từ du lịch 8 tháng đầu năm 2021 giảm 26,5 % so với cùng kỳ, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững, cơ cấu lại từ hoạt động xúc tiến, quảng bá, định vị thị trường, mục tiêu xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương...
Có giải pháp cho những hoạt động kinh tế mới
Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, cần tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Một trong số đó là có giải pháp, chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Đại biểu cho rằng, một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Đại biểu đề nghị, đối với chính sách ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế. Phân cấp theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là khu công nghiệp sinh thái, từ trình hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái tại quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Ban quản lý lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Sau khi có ý kiến các bộ, ngành liên quan, Ban quản lý tổng hợp báo cáo Ủy ban An ninh tỉnh để cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái. Như vậy, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được quy định cho UBND cấp tỉnh nhưng phần thẩm định vẫn thuộc các bộ, ngành.
Cho rằng, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng cần đánh giá cẩn trọng các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm. Đại biểu đề xuất 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo. Thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế. Thứ ba, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, chúng ta đã nhiều lần xác định cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình đã dang dở để hoàn thành, tập trung không có giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. Thứ năm, sớm cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt là Kết luận 14-KL/TW về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có như vậy mới phát huy được cái tính năng động, sáng tạo của cán bộ.
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Nghiên cứu các nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và các gói hỗ trợ với quy mô phù hợp, đúng trúng đối tượng
Mở đầu phần phát biểu của mình, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã đề nghị Quốc hội ghi nhận, tri ân đến các tầng lớp Nhân dân vào quyết định viết hoa hai chữ "Đồng bào" như Quốc hội ta đã từng viết hai chữ Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 để tôn vinh ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, ý thức giống nòi, tình tương thân, tương ái của các tầng lớp Nhân dân mỗi khi đất nước ta lâm vào cảnh hoạn nạn, khó khăn.
Đại biểu chỉ rõ sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này. Mặt khác, lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Từ đó, có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và ở trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.
Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là chìa khóa thành công có tính nền tảng. Ngoài ra, cần tháo gỡ mọi vướng mắc trong giải ngân đầu tư công - lĩnh vực còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng nhưng cũng đang đứng trước nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là trong phòng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài...
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị phải tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng:
Thứ nhất là cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Do vậy, vấn đề đặt ra quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi, từ đó có cách tiếp cận, cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.
Thứ hai, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Thứ ba, phát triển, mở rộng thị trường. Đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam./.